Điểm tin

Việt Nam hội nhập AEC: Càng sóng cả càng phải vững tay chèo

11 tháng 11. 2016

Bắt đầu từ ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC) có hiệu lực. ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng kinh tế thống nhất với số dân trên 620 triệu người.

Sự ra đời của AEC là kết quả của 13 năm xây dựng và chuẩn bị kể từ khi ý tưởng đầu tiên về cộng đồng kinh tế chung cho khu vực Đông Nam Á được đề xuất năm 2002. Con đường tiến tới hình thành AEC vốn không dễ dàng và sau năm 2015, việc từng bước hiện thực hóa khối kinh tế thống nhất này cũng sẽ còn vô số khó khăn.
Để tìm hiểu những thách thức cận kề mà Việt Nam và AEC cần vượt qua trên lộ trình hội nhập mới, phóng viên đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương.
- Bà đánh giá như thế nào về thời điểm Cộng đồng AEC có hiệu lực ngày 31/12/2015?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Cuối năm 2015 thực sự là một thời cơ tốt đẹp. Xét về phía Việt Nam thì hầu hết các năm kết thúc bằng số 5 đều là năm có những thời cơ lớn, những vận hội lớn cho đất nước, như những năm 1945, 1975, 1995 và vừa qua là năm 2015.
Chưa bao giờ Việt Nam lại có một thời kỳ rực rỡ như vậy trong tiến trình hội nhập. Chỉ riêng trong năm nay chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại lớn, mở ra cho Việt Nam con đường hội nhập và nâng vị thế trên trường quốc tế.
- Trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của AEC, khoảng cách giữa các nước thành viên rõ nét nhất là về vấn đề gì? Những khoảng cách này cản trở như thế nào đến tiến trình hội nhập AEC?
AEC chia làm hai nhóm, nhóm AEC 6 là những nước đi đầu tiên và có vị thế phát triển kinh tế vượt xa những nước còn lại, trừ Thái Lan thời gian vừa qua gặp một số khó khăn. Nhóm còn lại gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là khối các nước tụt hậu.
Trong tiến trình hội nhập AEC, chúng ta cũng đối mặt với những rào cản khác. Ví dụ như trong thời gian vừa qua, thâm hụt thương mại của Việt Nam tăng, nợ công cũng tăng trong khi mặt bằng về giáo dục của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thua kém.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam cũng kém hơn so với các nước khác trong khu vực.
Các con số thống kê cho thấy, phải mất 50 năm nữa, năng suất lao động của Việt Nam mới bằng Singapore. Năng suất lao động kém đồng nghĩa với chi phí lao động trên một đơn vị sản phẩm sẽ tăng và làm cho hàng hóa của chúng ta trở nên kém cạnh tranh so với hàng hóa của các nước khác.
- Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế kém phát triển hơn trong ASEAN là nhóm CLMV gồm Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar. Khi hội nhập AEC, nhóm này sẽ có được cơ hội và gặp phải những thách thức gì?
Có nhiều quan điểm cho rằng “yếu không nên ra gió” nhưng tôi thì nghĩ ngược lại, yếu thì phải ra gió, có thấy sóng cả mới vững tay chèo. Nếu chúng ta tiếp tục tiến trình bảo hộ lao động như trước kia thì các doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội trải nghiệm, không phải đối diện với thử thách sẽ không bao giờ có thể lớn mạnh được.
Việc hội nhập đầu tiên với ASEAN cũng là bước chuẩn bị tốt cho chúng ta trước khi bước vào những sân chơi lớn hơn như là khi TPP có hiệu lực vì so với các thành viên tham gia TPP thì chênh lệch giữa các nước thành viên ASEAN không nhiều.
Còn thách thức thì rất rõ ràng. Chúng ta đang thâm hụt thương mại với ASEAN. Nếu như chúng ta không có những quyết sách ngay lập tức thì trong năm 2016, mức thâm hụt này sẽ còn cao hơn nữa.
- Bà nhận xét thế nào về sự chuẩn bị và cam kết của Việt Nam trong thời gian qua cho sự ra đời của AEC?
Xét về mặt chính sách thì phía Nhà nước đã tiến hành một cách tích cực. Cơ quan đầu tiên đã tiến hành cải cách là hải quan vì đó là cửa ngõ đầu tiên chứng tỏ sự hội nhập của Việt Nam vào AEC. Ngành hải quan đã từng bước đơn giản hóa thủ tục hải quan và đưa ra lộ trình hội nhập trong từng thời kỳ.
Chỉ cần vào Google gõ cơ hội và thách thức thì chúng ta sẽ thấy hàng triệu kết quả ngay lập tức. Trên mọi mặt trận, Nhà nước đều tích cực thúc đẩy công tác chuẩn bị cho AEC.
- Triển vọng nào cho kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam cũng như kinh tế khu vực khi AEC phát huy tác dụng?
Chúng ta đều biết rằng AEC phát huy tác dụng như thế nào phụ thuộc vào mức độ tham gia tích cực của các nước. Từ trước đến nay, ASEAN là một khối thành công về chính trị hơn là thành công về kinh tế.
Trong bối cảnh hiện tại, các nước trong khu vực không phải trong giai đoạn thuận lợi về kinh tế, cho nên chúng ta chưa dám khẳng định triển vọng tích cực của AEC.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng một khi chính phủ các nước thống nhất đi đến quyết định này, thậm chí là đẩy nhanh tiến trình thành lập AEC thì chúng ta có thể kỳ vọng rằng chính phủ các nước sẽ tích cực tiến hành hội nhập sâu rộng cho khu vực.
- Dựa trên đánh giá về tương quan ngành nghề và hàng xuất khẩu trong AEC, theo bà thì ngành nào của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh nhiều nhất?
Một trong những ngành hàng nhạy cảm, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của một bộ phận lớn dân cư, đó là ngành nông nghiệp.
Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vừa kém về năng suất lao động, chất lượng không đồng đều và lại mang nhiều tiếng xấu về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, đối tác Thái Lan có nền nông nghiệp phát triển hơn. Thái Lan có các sản phẩm nông nghiệp như gạo, thịt, rau quả đạt tiêu chuẩn, được thế giới chấp nhận.
- Chính phủ đã chuẩn bị tốt cho hội nhập AEC, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa hiểu rõ và chưa chủ động để thích ứng khi tham gia cộng đồng kinh tế khu vực. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Một viện nghiên cứu ở Singapore đã tiến hành khảo sát về sự chuẩn bị cho AEC của các nước tham gia và con số họ đưa ra hết sức giật mình. Đó là có tới 79% doanh nghiệp Việt Nam không biết AEC là gì tính đến đầu năm 2014.
Tuy nhiên, theo như kinh nghiệm của ông chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, doanh nghiệp Việt Nam thường chờ nước đến chân mới nhảy nhưng lúc nhảy thì nhảy khá cao. Vì thế, sau thời gian sốc và mất mát ban đầu, thì những doanh nghiệp nào thật sự có năng lực sẽ vượt lên, còn những doanh nghiệp chậm chân sẽ chịu số phận bị đào thải.
- Sau khi AEC chính thức triển khai, việc giảm thuế nhanh sẽ khiến hàng hóa của các nước ASEAN có độ tương đồng với Việt Nam sẽ tràn vào thị trường nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tăng sức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực?
Những điểm sau đây mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý. Điểm đầu tiên là về mặt quảng cáo. Quảng cáo của Việt Nam thường dài lê thê và không tập trung và không có tính gợi. Trước khi người ta đi mua, phải gợi cho người tiêu dùng sự mong muốn, sự quan tâm,
Điểm thứ hai là bao bì nhãn mác, Ở Việt Nam còn ít công ty đầu tư cho bao bì nhãn mác. Hàng hóa của Việt Nam về nội dung có thể không thua kém hàng hóa Trung Quốc hay các nước trong khu vực, nhưng về bao bì, mẫu mã thì luôn thua.
Điểm thứ ba là doanh nghiệp cần chú trọng đến dịch vụ chăm sóc khách hàng của mình. Doanh nghiệp Việt Nam khi khởi nghiệp nếu thực hiện được ba điều này thì họ mới có thể xây dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng, sau đó mới có cơ hội giữ vị thế ngay trên đất mình trước khi vươn ra khu vực.
- Xin cảm ơn bà.
 
Nguồn: VietnamPlus

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: