Văn Kiện Khác

Nghị định thư ASEAN về Tăng cường Cơ chế Giải quyết Tranh chấp (EDSM)

06 tháng 12. 2016

NGHỊ ĐỊNH THƯ

Nghị định thư về Tăng cường Cơ chế Giải quyết Tranh chấp (EDSM)

TÓM LƯỢC VỀ CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG ASEAN

1. Giới thiệu chung

Nghị định thư ASEAN về Tăng cường Cơ chế Giải quyết Tranh chấp (gọi tắt là EDSM) được các nước ASEAN ký ngày 29/11/2004 và có hiệu lực kể từ ngày ký. EDSM gồm 21 Điều khoản và 2 Phụ lục, quy định về quy trình và thủ tục giải quyết tranh chấp trong Hiệp định khung về Tăng cường Hợp tác Kinh tế ASEAN và các Hiệp định kinh tế của ASEAN được liệt kê cụ thể trong ADSM, trừ khi các Hiệp định này có quy định khác.

So với cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO, cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN theo EDSM có quy trình các bước tương tự như WTO nhưng một số thời hạn ngắn hơn nhiều so với WTO. Do đó, thời gian giải quyết tranh chấp trong ASEAN sẽ nhanh chóng hơn sơn với trong WTO.

2. Quy trình giải quyết tranh chấp theo EDSM

Bước 1: Tham vấn

Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến việc thực thi, giải thích hoặc áp dụng các quy định trong Hiệp định khung về Tăng cường Hợp tác Kinh tế ASEAN hoặc bất kỳ các Hiệp định của ASEAN nào được liệt kê trong Phụ lục I của EDSM, thì các nước ASEAN phải giải quyết trước hết thông qua tham vấn. Bên được tham vấn phải phản hồi Bên tham vấn trong vòng 10 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn. Hai bên sẽ tiến hành tham vấn trong khoảng thời gian 30 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn.

Bước 2: Môi giới, Trung gian, Hòa giải

Trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có thể sử dụng hình thức trung gian hoặc hòa giải để giải quyết, và nếu đạt được thống nhất thì vụ kiện sẽ lập tức dừng tại đó.

Bước 3: Thành lập Ban hội thẩm

Ban Hội thẩm sẽ được thành lập theo yêu cầu của Bên yêu cầu tham vấn nếu:

i) Trong vòng 10 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn, bên được tham vấn không phản hồi bên tham vấn, hoặc

ii) Trong vòng 30 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn, các bên không tiến hành tham vấn, hoặc

iii) Trong vòng 60 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn, các bên không đạt được thống nhất

Quyết định thành lập Ban Hội thẩm được thực hiện tại Hội nghị các Lãnh đạo Kinh tế cao cấp ASEAN (SEOM) hoặc thông qua lấy ý kiến luân chuyển (circulation) các nước Thành viên trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận Yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm.

Ban Hội thẩm sẽ bao gồm 3 người do Ban Thư ký ASEAN lựa chọn và không mang quốc tịch của một trong các bên tranh chấp trừ khi được các bên này đồng ý.

Chức năng của Ban Hội thẩm là thực hiện các đánh giá khách quan về vụ kiện, bao gồm xem xét các tình tiết của vụ kiện và xác định tính phù hợp với các Hiệp định liên quan, từ đó đưa ra các kết luận và khuyến nghị liên quan tới vụ kiện

Bước 4: Hoạt động của Ban Hội thẩm

Trong vòng 60 ngày kể từ ngày thành lập (có thể gia hạn thêm 10 ngày trong trường hợp đặc biệt), Ban Hội thẩm phải hoàn thành Báo cáo của Ban Hội thẩm gửi lên SEOM. Tuy nhiên, trước đó Ban Hội thẩm phải cho phép các bên của vụ kiện được tiếp cận và bình luận Báo cáo.

Bước 5: Thông qua Báo cáo của Ban Hội thẩm

Báo cáo của Ban Hội thẩm sẽ được SEOM thông qua trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi lên SEOM trừ khi một bên tranh chấp thông báo chính thức với SEOM về việc kháng cáo, hoặc SEOM đồng thuận phủ quyết Báo cáo.

Bước 6: Trình tự Phúc thẩm

Khi có yêu cầu kháng cáo chính thức của một bên tranh chấp, Cơ quan Phúc thẩm sẽ được thành lập bởi Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM). Chức năng của Cơ quan Phúc thẩm chỉ là xem xét lại các vấn đề pháp lý và giải thích pháp lý trong Báo cáo của Ban Hội thẩm 

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm sẽ được đưa ra trong vòng 60 ngày (gia hạn không quá 30 ngày) kể từ ngày có yêu cầu kháng cáo chính thức của một bên. Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm có thể ủng hộ, sửa đổi hoặc phản đối các kết luận trong Báo cáo của Ban Hội thẩm

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm sẽ được SEOM thông qua trong vòng 30 ngày kể từ ngày Báo cáo này được đưa ra, trừ khi SEOM đồng thuận phủ quyết. Báo cáo sẽ được chấp nhận vô điều kiện bởi các bên tranh chấp.

Bước 7: Thi hành

Nếu Báo cáo của Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm kết luận biện pháp của một bên là không tuân thủ theo một Hiệp định liên quan, Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm sẽ đưa ra khuyến nghị yêu cầu bên vi phạm phải sửa đổi để biện pháp đó tuân thủ. Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm cũng có thể đưa ra khuyến nghị vệ cách thức sửa đổi để biện pháp tuân thủ.

Bên thua sẽ phải tuân thủ các khuyến nghị trong Báo cáo của Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm trong vòng 60 ngày kể từ ngày Báo cáo đó được thông qua bởi SEOM, trừ khi có yêu cầu và được cho phép một khoảng thời gian dài hơn để thực hiện.

Bước 8: Bồi thường và Trả đũa

Trong trường hợp bên thua không sửa đổi biện pháp vi phạm để bảo đảm tuân thủ Hiệp định liên quan hoặc việc sửa đổi không được thực hiện trong vòng 60 ngày kể từ ngày Báo cáo của Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm được thông qua, thì bên thắng kiện có thể yêu cầu bên thua kiện cùng đàm phán để cùng thống nhất một mức bồi thường. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về mức bồi thường trong vòng 20 ngày kể từ khi hết thời hạn 60 ngày trên, bên thắng (một hoặc tất cả các nguyên đơn) có thể yêu cầu SEOM cho phép đình chỉ một nghĩa vụ hoặc một nhượng bộ theo Hiệp định liên quan đối với bên còn lại.

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: