Thông tin liên quan

Tọa đàm “Tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Tác động, cơ hội và thách thức”

14 tháng 12. 2016

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia các hiệp định Thương mại tự do, bao gồm các hiệp định song phương và các hiệp định trong trong khuôn khổ ASEAN. Trong số đó, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm các nước ASEAN và 6 đối tác đối thoại khu vực đã được khởi xướng tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11/2012. Với mục tiêu được ký kết vào năm 2015, RCEP đang thu hút sự quan tâm từ các bên liên quan khác nhau trong khu vực, bao gồm cả cộng đồng kinh doanh.

Dự án EU-MUTRAP đã phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nghiên cứu đánh giá tác động của RCEP đối với kinh tế Việt Nam. Các đánh giá tập trung vào tác động của việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa trong các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nhằm đề xuất các chính sách có liên quan cho Việt Nam để tối đa hóa lợi ích kinh tế từ RCEP.

Các buổi tọa đàm đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/5 và tại Hà Nội ngày 22/5 để thu thập thông tin phản hồi và ý kiến về những phát hiện ban đầu, những cơ hội, thách thức và các khuyến nghị chính sách liên quan đến quá trình đàm phán và thực hiện RCEP. Tham dự tọa đàm gồm đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học - Công nghệ. Ngoài ra, các đại diện của cộng đồng kinh doanh như các hội nghề nghiệp, các hiệp hội kinh doanh trong các lĩnh vực liên quan và các viện nghiên cứu, các trường đại học cũng được mời tham dự.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về những lợi ích mà cộng đồng kinh doanh nhận được từ RCEP và các chi phí phải tính đến. Các ý kiến đóng góp của đại biểu đã giúp phân tích sâu sắc hơn trong các ngành sử dụng nhiều lao động (nông nghiệp, chế tạo) mà Việt Nam có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do. Ý kiến của các đại biểu thuộc khối doanh nghiệp có tính thực tế và sức thuyết phục. Một số đại diện của các doanh nghiệp lớn muốn có những phân tích sâu hơn về cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp. Tất cả những ý kiến đóng góp sẽ giúp các chuyên gia hoàn thiện kết quả nghiên cứu và đề xuất khuyến nghị chính sách cho Chính phủ trong việc thực hiện RCEP./. 

Nguồn: Mutrap

Tải tài liệu Tọa đàm đầy đủ tại đây

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: