Điểm tin

Thách thức trên “sân chơi” AEC

04 tháng 01. 2017

Cuối năm 2015, Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Với quy mô hơn 600 triệu dân, tổng GDP gần 3.000 tỷ USD, AEC được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam kỳ vọng mở ra một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng. Tuy nhiên, sau một năm tham gia AEC, những kỳ vọng này chưa trở thành hiện thực. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, nhiều DN Việt Nam đã bắt đầu phải trả giá vì thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho “cuộc chơi” hội nhập lớn này.

“Chông gai” sau cánh cửa AEC

Các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC được đánh giá là cao nhất và nhanh nhất trong số các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, thế nhưng trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng lại sụt giảm hoặc chưa đạt được mức tăng trưởng như mong đợi.

Chưa tận dụng được cơ hội

Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2006 - 2010, kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN của nước ta đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 12%/năm, nhưng đến năm 2016 (sau khi tham gia AEC) lại sụt giảm 4,8%, ước tính kim ngạch chỉ đạt 17,4 tỷ USD. Sự sụt giảm này thể hiện rõ nét ở cả hai lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, trong 11 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang các nước ASEAN đạt hơn 1,6 tỷ USD, giảm 20,3% so cùng kỳ năm 2015. Đáng nói là các mặt hàng giảm mạnh nhất đều là những sản phẩm chủ lực: cao-su (giảm 40,7%), gạo (giảm 48,8%), hồ tiêu (giảm 25,5%), sắn và các sản phẩm từ sắn (giảm 19,2%),... Đáng chú ý, đối với mặt hàng gạo, tính đến hết tháng 11-2016, ba thị trường trọng điểm ASEAN sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng so cùng kỳ năm 2015: Phi-li-pin (giảm 65%), Ma-lai-xi-a (giảm 48,1%), Xin-ga-po (giảm 30,7%).

Tổng Giám đốc Công ty Xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau Dương Việt Hùng giải thích: Sự sụt giảm sản lượng và kim ngạch của mặt hàng chiến lược như gạo là do các nước chủ yếu trong ASEAN nhập khẩu gạo của Việt Nam đều đã có những chính sách bảo đảm an ninh lương thực và đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước tự cân đối lương thực trong nước, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu. Trong khi đó, nếu xét về nhu cầu gạo chất lượng cao thì sự cạnh tranh của gạo Việt Nam lại rất “đuối” so với gạo của Cam-pu-chia và Thái-lan. Tính đến thời điểm tháng 12-2016, tại thị trường ASEAN, công ty mới xuất khẩu được 400 tấn gạo sang In-đô-nê-xi-a. Đây chỉ là sản lượng xuất khẩu theo hợp đồng tập trung chứ chưa phải hợp đồng thương mại.

Đánh giá chung về sự sụt giảm của hầu hết các mặt hàng nông nghiệp vào thị trường ASEAN, Trưởng phòng Xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản (Cục Xuất, nhập khẩu, Bộ Công thương) Nguyễn Thị Mai Linh cho rằng: Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các nước ASEAN một phần do sản lượng giảm, phần khác bởi giá hàng nông sản như cà-phê, cao-su, sắn giảm mạnh so cùng kỳ. Cụ thể, trong chín tháng năm 2016, giá cà-phê giảm 21,2%, cao-su giảm 12,5%, sắn giảm 14,4%. Riêng cà-phê, giá giảm đã khiến kim ngạch xuất khẩu giảm tới gần 59 triệu USD.

Nhìn vào lĩnh vực công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN của hầu hết các mặt hàng chủ lực cũng sụt giảm đáng kể. Trong đó, dầu thô là mặt hàng giảm mạnh nhất, kim ngạch 11 tháng năm 2016 giảm tới 76,3% so cùng kỳ năm trước. Giá dầu thô giảm mạnh đã khiến kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sụt giảm tới hơn một tỷ USD, kéo theo kim ngạch xuất khẩu chung vào ASEAN giảm. Bên cạnh việc giảm lượng, giảm giá thì một số mặt hàng công nghiệp dù tăng trưởng nhưng vẫn ở mức khá thấp, cách xa so với tiềm năng và kỳ vọng, điển hình nhất phải kể đến ngành dệt may. Theo nhận định của các chuyên gia, sau khi gia nhập AEC, dệt may Việt Nam sẽ nằm trong tốp đầu các ngành được hưởng lợi nhiều vì thuế suất xuất khẩu hàng may mặc về mức 0%. Trong khi đó, khoảng 50 đến 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may nước ta là từ AEC. Tuy nhiên, thực tế 11 tháng năm 2016 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào AEC đạt 638 triệu USD, chỉ tăng 15% so cùng kỳ năm 2015. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương khẳng định: Sau một năm tham gia AEC, các DN dệt may vẫn chưa tận dụng được ưu thế về thuế suất xuất khẩu để mở rộng thị trường. Sản phẩm may mặc của Việt Nam mới chỉ vào được ba nước là Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, chưa đủ lực để thâm nhập vào các thị trường tiềm năng, có yêu cầu cao hơn như Xin-ga-po, Thái-lan,... Đã đến lúc các DN cần chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu các thị trường này.

Tương tự dệt may, mặt hàng giày dép các loại cũng nằm trong nhóm tăng trưởng thấp. 11 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu da giày sang ASEAN đạt hơn 192 triệu USD, chỉ tăng 10,3% so cùng kỳ. Tổng Giám đốc Công ty giày Gia Định Nguyễn Chí Trung cho rằng, AEC không phải thị trường xuất khẩu da giày chính của Việt Nam, nhiều DN hiện cũng mới chỉ dừng lại ở mức thăm dò thị trường với số lượng không nhiều, nhất là những thị trường khó tính hơn trong nội khối như Xin-ga-po, Phi-li-pin…

Làm sạch bưởi da xanh trước khi xuất khẩu. Ảnh: THANH PHONG

Rào cản từ nhiều phía

Phân tích nguyên nhân sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ASEAN, nhất là sau khi Việt Nam đã gia nhập AEC, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, trước hết là do tác động chung của kinh tế thế giới và khu vực. Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh bình luận: “Trong năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của các nước ASEAN từ thị trường thế giới đều ghi nhận sụt giảm. Theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch nhập khẩu chín tháng năm 2016 của In-đô-nê-xi-a là 98,7 tỷ USD (giảm 8,6% so cùng kỳ); Ma-lai-xi-a 124,5 tỷ USD (giảm 7%); Xin-ga-po 208,7 tỷ USD (giảm 7,4%) và Thái-lan là 142,5 tỷ USD (giảm 7,3%). Do vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này cũng chịu ảnh hưởng.

Một nguyên nhân khác là việc Việt Nam đồng thời tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa trong nội khối ASEAN, cũng như nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các nước đối tác dẫn đến tác động chuyển hướng thương mại sang các nước có FTA với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân, Liên minh kinh tế Á - Âu,… Điều này tác động không nhỏ tới tỷ trọng xuất khẩu sang ASEAN.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam từ các nước trong khu vực, như Thái-lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a đã tổ chức điều tra chống bán phá giá và áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép. Còn đối với các mặt hàng nông sản, nhiều hàng rào kỹ thuật cũng được dựng lên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước khiến “cánh cửa” để hàng hóa nước ta xuất khẩu sang các nước ngày càng hẹp hơn.

Cùng chung quan điểm này, Vụ trưởng Thống kê thương mại dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Lê Thị Minh Thủy cho biết, kim ngạch xuất khẩu của một số nhóm hàng giảm mạnh bởi tác động của thị trường thế giới. Tiêu biểu như nhóm dầu thô giảm tới gần 77%; nhóm than đá giảm 33,6%; quặng và khoáng sản khác giảm 38,9%. Nếu loại trừ các nhóm này, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN chỉ giảm 1%.

Tuy nhiên, đó là những nguyên nhân khách quan, còn về chủ quan, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh: Do cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của nước ta có nhiều điểm tương đồng với các nước ASEAN, trong khi sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu nước ta còn hạn chế so với các nước trong khu vực cho nên việc mở rộng thị phần gặp khó khăn và giá trị gia tăng sản phẩm thấp là điều khó tránh. Là DN kinh doanh lâu năm trên thị trường ASEAN, đại diện Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo thừa nhận, việc cạnh tranh ở thị trường ASEAN không hề đơn giản.

Riêng với thị trường Thái-lan, Mỹ Hảo cũng chỉ bán được tại các địa phương ven thủ đô, còn tại Băng-cốc và các điểm du lịch lớn thì không thể “chen chân” được với các sản phẩm nước ngoài khác do chất lượng, mẫu mã của họ vượt khá xa. Giống như Mỹ Hảo, nhiều DN sản xuất bánh kẹo cũng gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Đại diện Công ty cổ phần Bibica cho biết: Hiện thị trường ASEAN đang chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của công ty. Khi Việt Nam gia nhập AEC, công ty dự kiến mở rộng xuất khẩu nhưng lại vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp Thái-lan, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a với các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng, thậm chí giá cũng rẻ hơn.

Một năm trước đây, Việt Nam gia nhập AEC đã tạo ra nhiều hứng khởi và kỳ vọng cho các DN trong nước mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế hoạt động xuất khẩu vào ASEAN năm 2016 cho thấy, DN chưa tận dụng được cơ hội từ AEC, thách thức lại ngày một nhiều hơn, khiến cho dấu ấn hàng hóa nước ta vẫn mờ nhạt và chưa tạo được tiếng vang trong sân chơi chung này. Trong khi đó, nỗi lo Việt Nam trở thành “vùng trũng” nhập khẩu từ các nước ASEAN đã hiện hữu ngày càng rõ nét.

 

Từ năm 2013 đến nay, tốc độ xuất khẩu sang ASEAN của Việt Nam giảm dần. Năm 2013, tăng 6,4% so với năm trước, năm 2014 chỉ tăng 3,8%, năm 2015 giảm 4,6% và năm 2016 giảm 4,8%. Thực tiễn, tác động chuyển hướng thương mại này không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước ASEAN khác. Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), xuất khẩu của Thái-lan sang ASEAN năm 2013 đạt 59,3 tỷ USD (tăng 4,6%), năm 2014 đạt 59,4 tỷ USD (tăng 0,18%) và năm 2015 đạt 54,2 tỷ USD (giảm 8,7%). Xuất khẩu của Ma-lai-xi-a sang ASEAN năm 2013 đạt 63,9 tỷ USD (tăng 4,9%), năm 2014 đạt 65,3 tỷ USD (tăng 2,1%) và năm 2015 đạt 56,3 tỷ USD (giảm khoảng 13%).

(Nguồn: Cục Xuất, nhập khẩu, Bộ Công thương)

Nguồn: Báo Nhân dân

 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: