Điểm tin

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Đường còn dài

04 tháng 01. 2017

Cách đây đúng một năm, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập.

Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của các nước Đông Nam Á, cũng là cơ hội quý giá để các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng đẩy mạnh xuất khẩu và bắt kịp xu thế phát triển kinh tế thế giới.

AEC mở thêm cánh cửa hội nhập cho Việt Nam

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), AEC là nỗ lực của cộng đồng các nước ASEAN, thể hiện quyết tâm hội nhập của Chính phủ và DN các nước.

Đại diện của Đại sứ quán Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam – ông Andrew Holt cũng nhìn nhận, AEC là cộng đồng đầu tiên được thành lập tại châu Á với tổng giá trị GDP của 10 nước đạt gần 3.000 tỷ USD. AEC được kỳ vọng là mở ra môi trường cạnh tranh cao và cơ hội hội nhập sâu rộng hơn cho các nước trong khu vực vào nền kinh tế thế giới. Do đó, AEC là công cụ quý báu để Việt Nam và các nước đẩy mạnh xuất khẩu và bắt kịp xu thế phát triển kinh tế thế giới.

Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty Meiko, khu Công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Nguyễn Anh

Bằng tuyên bố thành lập AEC, trong một năm qua, các nước ASEAN đã thể hiện rõ quyết tâm của mình trong việc thực hiện mục tiêu chung đó là hình thành một thị trường đơn nhất và một cơ sở sản xuất chung, với nhiều khía cạnh hợp tác về kinh tế và thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng, cạnh tranh bền vững và lấy con người làm trung tâm của cộng đồng kinh tế. Tuy nhiên, việc thành lập AEC là bước đi mạnh mẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chứ không phải bước đầu tiên, cũng không phải kết quả cuối cùng của sự hợp tác ASEAN.

Cộng đồng kinh tế AEC của ASEAN không giống với Liên minh châu Âu (EU) hay các hiệp định thương mại tự do khác. AEC đặt ra 9 mũi nhọn ưu tiên thay vì 2 như xuất phát điểm của EU. Bên cạnh đó, lực lượng sản xuất chiếm 53% dân số giúp ASEAN có điều kiện thuận lợi để đạt được những mục tiêu tham vọng.

Thương mại hàng hóa đang là điểm sáng lớn nhất cho tới thời điểm này. Thông qua ATIGA, Việt Nam và các nước ASEAN đã loại bỏ 97% các dòng thuế và dự kiến đạt 99% vào năm 2018. Mức giảm thuế này tương đương với TPP và EVFTA.

Kết quả chưa như mong đợi

Nhìn lại một năm qua, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù có nhiều nỗ lực để cộng đồng biết nhiều hơn về ASEAN dường như kết quả chưa được như mong muốn. Nếu nhìn vào con số cơ học thì trong năm qua vì nhiều yếu tố tác động mà kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – ASEAN đang giảm, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN giảm mạnh so với 2015. Từ góc độ cam kết pháp lý có thể thấy năm qua mặc dù có các cuộc gặp, cuộc họp cấp cao, các tuyên bố ASEAN nhưng năm qua ASEAN không có thêm văn bản mới trong cam kết. Năm 2016 các nước thực hiện theo lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN từ trước đây.

Cũng theo đánh giá của VCCI, năm qua mức độ hợp tác hải quan còn hạn chế và chậm tiến độ. Các tiêu chuẩn kỹ thuật chung cũng đang hạn chế các DN trong nước bởi Việt Nam đang không nắm thế chủ động trong tay. Bà Nguyễn Thị Hương Liên – Phó Tổng Giám đốc Công ty Sao Thái Dương phản ánh, thực tế các DN còn thiếu thông tin, thiếu sự cập nhật bộ quy chuẩn kỹ thuật mới, các quy định mới, quá trình sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật DN cũng không được hỏi tham vấn. “Và ngay cả khi có chung bộ quy chuẩn nhưng mỗi nước có lộ trình thực hiện khác nhau mà chúng tôi lại gặp khó khăn trong việc cập nhật những thông tin này” – bà Liên chia sẻ. Bên cạnh đó, năm 2016 cũng là năm các DN Việt gặp phải sự cạnh tranh từ các nguồn hàng ASEAN tràn vào Việt Nam, điển hình là sản phẩm Thái Lan qua thương vụ mua bán Big C.

Đồng tình với ý kiến của DN, đại diện VCCI cho rằng, với AEC các DN có một thị trường không rào cản thuế quan và quy trình lưu chuyển hàng hóa thuận lợi. Bên cạnh đó, một thị trường đầu ra vô cùng lớn và nguồn đầu vào đa dạng cũng mang tới những lợi ích khổng lồ cho DN. Nhưng với AEC, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Từ khi gia nhập ASEAN tới nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong khu vực dù tăng nhưng vẫn thấp hơn kim ngạch nhập khẩu. Bên cạnh đó, các quy chuẩn kỹ thuật của ASEAN thực hiện không qua tham vấn và có hiệu lực ngay lập tức nên làm khó nhiều DN Việt Nam trong quá trình sản xuất.

Phân tích thêm về một năm qua, đại diện VCCI cho rằng, vấn đề thương mại dịch vụ và đầu tư giữa các nước ASEAN cũng chưa được như kỳ vọng bởi khoảng cách từ lý thuyết tới áp dụng còn xa. Do AEC bắt đầu được hình thành từ năm 1992 và quá trình đàm phán chuyên sâu diễn ra trong giai đoạn 2002 - 2008 nên những hiệp ước, thỏa thuận không có nhiều khác biệt so với WTO, khác biệt lớn nhất nằm ở chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, không gây nhiều áp lực thay đổi cho Việt Nam như TPP. Với các lĩnh vực khác, các thỏa thuận khu vực gần như chưa có, thay vào đó là các hiệp định, dự án song phương.

Mặc dù ASEAN vẫn phải đối mặt với vô số thách thức để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tuy nhiên, đại diện VCCI nhấn mạnh, AEC là những gì đã và đang diễn ra chứ không nằm ở thì tương lai như TPP hay EVFTA.

Nhằm mang tới những thông tin thiết thực và đầy đủ nhất cho các nhà đầu tư Việt Nam cũng như mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cách đây vài ngày VCCI đã chính thức ra mắt Cổng thông tin AEC dành cho DN tại địa chỉ http://www.aecvcci.vn. Về sự ra đời của Cổng thông tin AEC, theo con số khảo sát của VCCI vào đầu năm 2016, tỷ lệ các DN biết về cộng đồng này đạt gần 100% nhưng các DN hiểu rõ về cơ hội và thách thức AEC mang lại này chỉ hơn 16%. Việc các DN thiếu thông tin, chưa hiểu rõ về AEC chính là một phần lý do khiến họ gần như chưa tận dụng được các cơ hội từ AEC.

Khác với thông tin trên một số cổng thông tin về ASEAN hiện nay, Cổng thông tin AEC của VCCI sẽ bóc tách, phân chia theo các mảng nội dung hoạt động, các văn bản và các cam kết thực thi của Việt Nam trong AEC. Các thông tin tương tự của các nước cũng được cập nhật… Bên cạnh tên miền tiếng Việt, tới đây, tên miền riêng cho phiên bản tiếng Anh cũng sẽ được ra đời tại địa chỉ http//www.enaecvcci.vn. Hy vọng bằng những nỗ lực từ các cơ quan và Chính phủ, từ nay cộng đồng DN sẽ không còn “cô đơn” trên con đường dài và xa.

Sáng tạo là chìa khóa thành công trong AEC

Cộng đồng AEC được thành lập mở ra tiềm năng thị trường rất lớn nhưng sau một năm, kim ngạch XNK của Việt Nam sang các nước ASEAN giảm, trong đó xuất khẩu giảm nhanh hơn nhập khẩu. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI.

Nguyên nhân của thực trạng trên là gì, thưa bà?

- Thực ra khi nói về tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu có nhiều yếu tố, khó thể nói rõ yếu tố nào là chính. Các nước ASEAN đều đã có lộ trình loại bỏ thuế từ 2010 – nay. Năm 2015 và 2016 đối với các nhóm nước này về mặt thuế quan Việt Nam không có lợi gì thêm vì họ đã loại bỏ hoàn toàn rồi. Trong khi đó, 2015 – 2016 chúng ta vẫn đang tiếp tục có các bước giảm thuế theo cam kết trong AEC mà đến giờ mới phải loại bỏ. Vì thế, trong năm 2016 các DN ASEAN đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam. Đây có thể là lý do về cơ học để giải thích vì sao nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam mặc dù giảm nhưng giảm ít hơn so với mức xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN.

Bà từng chia sẻ, không phải DN thiếu thông tin hay ngại tìm kiếm thông tin mà hiện nay họ thiếu công cụ tìm kiếm thông tin. Vậy hướng khắc phục ở đây là gì?

- Trong thời đại CNTT, thông tin không thiếu, vấn đề là DN cần những thông tin cụ thể, đáp ứng nhu cầu, gần sát, tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, biết là một chuyện, thực hiện được hay không lại là chuyện khác, đòi hỏi DN phải nỗ lực tự mình bằng nhiều hành động khác nhau. Ví dụ, trong ASEAN là thị trường có 10 nền kinh tế gần giống nhau nên cạnh tranh nhau, lợi ích thu được không nhiều. Nhưng lý thuyết kinh tế hiện đại lại khác, họ hướng tới người tiêu dùng (NTD). Cùng sản phẩm đó, NTD có những nhu cầu khác nhau. Mặc dù có cơ cấu giống nhau nhưng nếu có sáng tạo cung cấp cho NTD nhiều lựa chọn hơn với cùng một loại sản phẩm. Với cách nhìn này nếu ngay ở thị trường ASEAN với cơ cấu kinh tế tương đồng nhưng các DN biết sáng tạo, phát huy mũi nhọn của mình thì vẫn hoàn toàn cạnh tranh được.

Vấn đề quản lý các quy chuẩn kỹ thuật trong ASEAN được thực hiện như thế nào?

- Một hàng rào kỹ thuật chung cho các nước ASEAN là tốt nhưng vấn đề là các nước ASEAN có trình độ phát triển khác nhau, mục tiêu chính sách khác nhau thì chắc chắn đây là một khó khăn. Trong ASEAN đã có các cam kết thực hiện, chúng tôi chỉ khuyến nghị Chính phủ trước khi đưa ra lá phiếu thông qua quy chuẩn mới thì cần có tham vấn rộng rãi trước cộng đồng DN, nghiên cứu thấu đáo tác động của quy chuẩn dự kiến ban hành.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Mới

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: