Điểm tin

Khi thị trường ASEAN bị bỏ trống

18 tháng 01. 2017

Thị trường ASEAN được đánh giá là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, thế nhưng DN Việt lại chứng tỏ chưa thâm nhập thị trường nội khối này một cách rõ ràng. Thay vì tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, DN Việt lại liên tục nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm từ các nước ASEAN.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, cơ hội hợp tác kinh tế của Việt Nam với các nước ngày càng thuận lợi hơn. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng với thị trường này với quy mô dân trên 600 triệu người. Điều kiện thuận lợi được mở rộng hơn, lý do trước khi AEC hình thành hơn 90% dòng thuế giữa các nước nội khối đã được cắt giảm. 

Còn sau khi AEC chính thức được triển khai thì có đến 669 dòng thuế còn lại liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm như ô tô, sữa, sắt thép… cắt giảm dần. Năm 2018, thuế quan của các sản phẩm như: đường, muối, gia cầm, thuốc lá… cũng sẽ xóa bỏ. 

Một điều đáng chú ý là, theo đánh giá của Vụ Thương mại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), trong 5 năm vừa qua Việt Nam luôn ở thế nhập siêu trong quan hệ thương mại với ASEAN. Năm 2010 Việt Nam thâm hụt thương mại với ASEAN khoảng 6 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu là 57%.

Đến năm 2015, xuất khẩu giảm so với 2014, kim ngạch đạt 20 tỷ USD, thâm hụt thương mại lại tăng lên ở mức trên 5 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu trên 30%. Trong năm 2016, tình hình vẫn khó cải thiện, cán cân thương mại của Việt Nam với khu vực ASEAN vẫn nghiêng về nhập khẩu.

Nếu tính số tổng hợp tròn số đến hết tháng 10/2016, lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN chỉ đạt 14,2 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2015.Trong khi đó, Việt Nam lại nhập khẩu từ thị trường này tới 19,1 tỷ USD.

Điều đó cho thấy ASEAN cũng là một thị trường có áp lực cạnh tranh rất lớn, không phải là thị trường dễ dàng chinh phục. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan  tính đến hết 11 tháng năm 2016, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Indonesia 2,38 tỷ USD, Lào 420 triệu USD, Thái Lan 3,3 tỷ USD; Bruney 18 triệu USD… tương ứng với các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa thì kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ các nước ở mức cao, thậm chí còn cao hơn kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể Indonesia 2,6 tỷ USD; Lào 313 triệu USD; Thái Lan 7,8 tỷ USD; Bruney 42 triệu USD. Điều đặc biệt, trong 9 thị trường nội khối, Việt Nam mới chỉ xuất siêu được sang thị trường Campuchia, Lào, Phillippines, Myanmar, song số lượng xuất siêu cũng không nhiều. 

Đáng chú ý, với thế mạnh xuất khẩu là gạo thì gạo Việt Nam không mở rộng thị trường xuất khẩu vào nhiều nước trong khối. Đáng lo ngại hơn, theo giới chuyên gia, nếu Việt Nam không xây dựng chất lượng gạo thì các nước trong khối sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Thực tế cho thấy, gạo các nước trong nội khối vẫn ngấm ngầm giành giật và lấn chiếm thị trường Việt Nam trong thời gian qua. 

Không riêng gì ngành lúa gạo, ngành hàng tiêu dùng Việt Nam chưa tìm được đường chen chân vào các nước thì lượng hàng hóa các nước đã thâm nhập và đứng vững trên các quầy kệ tại các siêu thị Việt Nam. Khi thuế quan của hàng hóa trong nội khối ASEAN giảm, ngay lập tức các nước này dựng lên một hệ thống các tiêu chuẩn về kỹ thuật để bảo vệ ngành sản xuất trong thị trường nội địa nhằm hạn chế xuất khẩu của các nước khác vào thị trường.

Bằng chứng rõ nhất là 2 năm trở lại đây, mặt hàng tôn thép của các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang các nước như Thái Lan bị đánh thuế chống bán phá giá. Theo các doanh nghiệp tôn thép, việc lấy lại thị phần và kim ngạch xuất khẩu như trước kia là rất khó khăn. Thậm chí, với sức ép từ hàng rào kỹ thuật các nước dựng lên, nguy cơ mất thị trường là rất lớn.  

Nhìn từ mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các nước trong khối đã có sự chuẩn bị sớm, bài bản về những công tác bảo vệ thị trường hơn so với Việt Nam. Tuy rằng chưa quá muộn, nhưng DN Việt cần giành lại thế chủ động, không bỏ qua từng cơ hội.

Đồng thời, phải nắm bắt những quy định về khung pháp lý tránh những vụ kiện tụng không đáng có của các thị trường muốn thâm nhập. Điều quan trọng hơn cả, DN Việt cần chủ động nâng cao năng lực công nghệ, chế biến, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nguồn: Báo Đại đoàn kết

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: