Điểm tin

Kinh tế Singapore 2017: Vượt “gió ngược,” tiến lên phía trước

02 tháng 03. 2017

Kinh tế Singapore đang đứng trước một giai đoạn đầy khó khăn và thử thách khi hàng loạt những “cơn gió ngược” đến từ bên ngoài và cả từ bên trong đang kéo chậm lại tốc độ tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, bài toán ngân sách năm 2017 đã được đưa ra với “cách tiếp cận có mục tiêu” cùng với những chiến lược cụ thể để “con tàu” Singapore tiếp tục tiến lên phía trước.

Giải quyết những thách thức ngắn hạn

Theo Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, mặc dù nền kinh tế Singapore đã tăng trưởng 2% trong năm 2016 và cao hơn mức ước tính, song đây cũng là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Dự kiến trong năm nay, nền kinh tế của Đảo quốc Sư tử sẽ tăng trưởng ở mức từ 1-3%.

Chính vì vậy, ngân sách năm nay sẽ tập trung giải quyết những thách thức ngắn hạn cũng như các kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế trong trung hạn, đồng thời củng cố các biện pháp hỗ trợ xã hội trước tình trạng già hóa dân số.

Đáng chú ý, người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh rằng giới hạn ngân sách của các bộ và các cơ quan nhà nước trong năm 2017 sẽ bị giảm xuống 2%. “Tuy nhiên, việc cắt giảm này không có nghĩa là chính phủ giảm chi tiê u mà thay vào đó, các nguồn lực được phân bổ một cách có trọng tâm cho các dự án ưu tiên cao hơn ,” Bộ trưởng Heng Swee Keat nói.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các sáng kiến chuyển đổi ngành công nghiệp đã triển khai từ năm trước với tổng trị giá 4,5 tỷ SGD, ngân sách năm 2017 sẽ dành khoảng 2,4 tỷ SGD cho một chiến lược kéo dài bốn năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế thích ứng với các thay đổi trên thế giới hiện nay dựa trên những khuyến nghị bởi Ủy ban Kinh tế tương lai (CFE) đưa ra mới đây.

Điểm khác biệt đó là không như một số nền kinh tế tiên tiến trên thế giới "hướng nội", thì chính phủ nước này lại chọn một nền kinh tế "hướng ngoại" theo định hướng của Singapore đồng thời thiết lập một quỹ trị giá 600 triệu SGD để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước khai thác các cơ hội bên ngoài, mở rộng quy mô và quốc tế hóa.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng quyết định chi 700 triệu SGD để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng nhằm cải thiện tình trạng giao thông, nâng cấp các câu lạc bộ cộng đồng và các cơ sở thể thao, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tiếp cận với các dịch vụ công.

Để giải quyết các vấn đề xã hội, ngân sách năm 2017 cũng sẽ dành 1,4 tỷ SGD để trợ giúp các doanh nghiệp và người lao động cũng như hỗ trợ thêm cho các cá nhân, gia đình và các nhóm thiệt thòi thông qua các sáng kiến ​​"Thích nghi và Phát triển" của Bộ Nhân lực (MOM) như tăng lương và cung cấp các chương trình đào tạo hỗ trợ nghề nghiệp, thử nghiệm việc làm..., giúp người lao động thích ứng với những thay đổi về tái cấu trúc nền kinh tế.

Và chiến lược mang tính dài hơi

Ngay trước khi ngân sách tài khóa 2017 được công bố, Ủy ban Kinh tế tương lai (CFE), một hội đồng 30 thành viên đứng đầu các cơ quan kinh tế chủ chốt tại Singapore, đã đưa ra một báo cáo bao gồm 7 chiến lược đệ trình lên Thủ tướng Lý Hiển Long để thúc đẩy nền kinh tế nước này tiếp tục tiến lên phía trước.

Theo đó, 7 chiến lược mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Đào sâu và đa dạng hóa các kết nối quốc tế nhằm tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới; Hình thành các kỹ năng chuyên sâu cho người lao động; Tăng cường năng lực doanh nghiệp để đổi mới và mở rộng quy mô; Tạo lập một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ; Xây dựng một thành phố sôi động và kết nối các cơ hội; Chuyển đổi cơ cấu thúc đẩy các ngành công nghiệp; Xây dựng các quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển và đổi mới.

Đáng chú ý, CFE khuyến nghị chính phủ cần thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư tận dụng việc giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan thông qua các sáng kiến ​​như Cộng đồng kinh tế ASEAN hay các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực; thành lập một Liên minh Đổi mới toàn cầu để tạo sự gắn kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy sự đổi mới.

Bên cạnh đó, những lộ trình phát triển các ngành công nghiệp cụ thể cần tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng ngành, nhóm lại thành các cụm sao cho sự chuyển đổi của một ngành công nghiệp có thể có tạo ra sự tác động lan tỏa tích cực đến những ngành, lĩnh vực khác… 
Lý giải về việc đưa ra các chiến lược mới này, CFE lưu ý rang tăng trưởng trên toàn thế giới chững lại cùng với chuỗi giá trị toàn cầu đang thay đổi, trong đó đáng lo ngại nhất là chính sách bảo hộ ngày càng tăng ở châu Âu và Mỹ.

"Xu hướng chống toàn cầu hóa sẽ làm suy yếu thương mại quốc tế, gây tổn thương cho các nền kinh tế, đặc biệt là đối với Singapore-một nền kinh tế nhỏ nhưng lại có độ mở lớn," báo cáo của CFE nhấn mạnh.

Tuy nhiên, mặc dù môi trường toàn cầu đầy thách thức, CFE cho biết vẫn có "nhiều cơ hội" để Singapore đổi mới, phát huy được tiềm năng, duy trì kết nối và giữ được sự gắn kết với thế giới. 
Bản báo cáo này đã nhận được sự đồng tình của Thủ tướng Lý Hiển Long và ông cho biết Chính phủ sẽ theo đuổi tất cả các mục tiêu mà bản báo cáo đề cập tới.

Vẫn còn những lo lắng…

Kế hoạch ngân sách năm 2017 và chiến lược phát triển kinh tế nhận được sự đồng tình của hầu hết giới chuyên gia và doanh nghiệp, song vẫn còn không ít những lo lắng.

Bởi theo nhận định của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore, sự tăng trở lại của kinh tế thế giới là không chắc chắn và rủi ro suy thoái vẫn còn. "Rủi ro chính trị và bất ổn kinh tế đã tăng lên. Ngay cả khi Anh thương lượng về vấn đề Brexit, thì cuộc bầu cử sắp tới tại các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro vẫn có thể dẫn đến những bất ổn hơn nữa về tương lai của Liên minh châu Âu," báo cáo mới đây của MTI nhấn mạnh.

Một số hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ sự thất vọng vì cho rằng gói ngân sách 2017 không có nhiều biện pháp ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong một môi trường đầy thách thức hay những thay đổi về hệ thống thuế, tăng giá nước... sẽ khiến những doanh nghiệp nhỏ ngày càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí khó có thể cầm cự.

Lý giải về điều này, Bộ trưởng Tài chính thứ hai Lawrence Wong cho hay c hính phủ đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp ngắn hạn để giúp các doanh nghiệp đối phó với việc chi phí tăng cao; trong đó bao gồm các đề án như tăng lương, tạo thêm việc làm hay các chương trình mở rộng cho vay vốn SME. 
Song, lãnh đạo ngành tài chính cũng nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ là có trọng tâm, trọng điểm và chính phủ sẽ cân nhắc các lĩnh vực cụ thể, còn bản thân các doanh nghiệp cần phải tự đổi mới để thích ứng với môi trường kinh doanh hiện nay.

Đồng tình với ý kiến này, các chuyên gia kinh tế Singapore cũng nhận định việc chính phủ chi có “mục tiêu” và không dàn trải là khôn ngoan khi mà thế giới hiện đang vận động trong một môi trường không chắc chắn và nhiều thay đổi. Điều này cũng tạo ra một tầm nhìn phát triển dài hạn cho nền kinh tế Singapore.

“Đối với Singapore thì những thách thức lớn nhất hiện nay không chỉ đến từ môi trường bên ngoài, mà còn là làm sao thuyết phục được doanh nghiệp, người dân tin tưởng vào tầm nhìn dài hạn của chính phủ để tiếp tục đưa Singapore phát triển trong 50 năm tới,” tiến sĩ Tan Khee Giap, đồng Giám đốc Viện Cạnh tranh châu Á, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore nói.

Nguồn: bnews.vn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: