Điểm tin

FDI với thị trường và đối tác (2)

28 tháng 03. 2017

Từ kinh nghiệm của 30 năm làm ăn với các thị trường và đối tác khá đa dạng, Việt Nam cần điều chỉnh quan hệ hợp tác đầu tư với từng thị trường và đối tác, nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới.

Châu Á tiếp tục là thị trường hàng đầu

Trong những năm sắp đến, châu Á tiếp tục là thị trường hàng đầu, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Singapore vẫn dẫn đầu FDI tại Việt Nam.

Đối với Hàn Quốc, việc thực hiện FTA Việt - Hàn tác động tích cực đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Theo nhận định của Hãng thông tấn Yonhap, các công ty nước này đang chuyển trọng tâm sang thị trường Việt Nam, trong bối cảnh kinh doanh của họ ở Trung Quốc gặp khó khăn.

Trong khi vẫn coi trọng đầu tư quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nước ta cần chuyển hướng sang thu hút FDI của các công ty xuyên quốc gia.

Yonhap dẫn báo cáo của Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc về việc Chính phủ nước này chủ trương mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam để khắc phục tình trạng thương mại đang trì trệ, coi Việt Nam là cơ hội tốt cho các công ty của Hàn Quốc.

Đối với Nhật Bản, hai nước đã thỏa thuận về việc tiếp tục phối hợp triển khai ”Sáng kiến chung Việt- Nhật”, đẩy mạnh hợp tác đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và 6 ngành là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Hai nước đã thống nhất về việc hợp tác xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức:

1) thành lập các bộ phận hỗ trợ chuyên biệt cho các nhà đầu tư Nhật Bản;

2) xây dựng tài liệu và trang web xúc tiến đầu tư bằng tiếng Nhật;

3) đẩy mạnh hợp tác với các liên đoàn kinh tế (keidanren, kankeiren, chukeiren...), Phòng Thương mại Nhật Bản (JCCI), ngân hàng, công ty tư vấn, quỹ đầu tư của Nhật Bản;

4) đẩy mạnh kết nối các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Nhật Bản.

Đối với Trung Quốc, cần đánh giá đúng cơ hội và thách thức khi nước này gia tăng vốn đầu tư tại Việt Nam; không nên định kiến đến mức coi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc chỉ có tác động tiêu cực, mà phải biết tranh thủ cơ hội trong quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN khi nước ta là cửa ngõ của ASEAN với Trung Quốc.

Nhân tố quyết định của việc bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội khi tiếp nhận FDI của Trung Quốc là biết lựa chọn dự án và nhà đầu tư phù hợp với định hướng mới về FDI để hình thành nền kinh tế xanh, thực hiện công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, không để lợi ích nhóm, lợi ích địa phương xâm hại lợi ích dân tộc trong quan hệ đầu tư với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới..

Đối với ASEAN, cần nghiên cứu để vận dụng có kết quả Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) được ký kết ngày 26/2/2009, có hiệu lực từ ngày 29/3/2012, với mục đích thúc đẩy tiến trình xây dựng một khu vực đầu tư tự do, mở cửa, minh bạch và hội nhập trong ASEAN.

ACIA tạo ra cơ chế đầu tư cởi mở và tự do trong ASEAN hướng tới mục tiêu hội nhập kinh tế trong AEC với Dấu ấn AEC (AEC Blueprint), thông qua:

(a) Tự do hóa nhanh các cơ chế đầu  tư của các nước thành viên;

(b) Tăng cường cơ chế bảo hộ nhà đầu tư và các khoản đầu tư của nước thành viên;

(c) Tăng cường tính minh bạch và dự đoán trước về nguyên tắc, quy chế, thủ tục đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư giữa các nước thành viên;

(d) Xúc tiến đầu tư chung trong ASEAN như một khối thống nhất;

(e) Hợp tác nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của một nước thành viên này tại các nước thành viên khác.

Tận dụng cơ hội với EU và Mỹ

Đối với EU, để tăng nhanh FDI từ EU vào Việt Nam, cần tận dụng cơ hội mới khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư hướng vào lĩnh vực doanh nghiệp EU có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, tài chính, ngân hàng, thương mại, công nghiệp điện tử, tin học, điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo; các địa phương cần coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp EU đang hoạt động tại Việt Nam, qua đó quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của nước ta và của từng địa phương đến các nhà đầu tư tiềm năng của EU..

Đối với Mỹ, dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump có tác động nhất định đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, nhưng Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - ASEAN nhận định: “Tuy chính sách của Mỹ đã có những thay đổi nhưng những tiến bộ, cải cách của khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã tạo ra sức hấp dẫn cho khu vực này. Và Việt Nam là thị trường có sức hấp dẫn mà các doanh nghiệp Mỹ rất hứng thú”.

Nhận định đó được minh chứng thông qua chuyến thăm Việt Nam gần đây của đoàn cấp cao các tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Exxon Mobil, GM, Google, MasterCard...

Chuyển hướng sang các TNCs

Trong khi vẫn coi trọng đầu tư quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nước ta cần chuyển hướng sang thu hút FDI của các công ty xuyên quốc gia (TNCs). Bởi vì trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, chính sách công nghiệp hóa Việt Nam cần tận dụng cơ hội mới khi nhiều TNCs hàng đầu thế giới đầu tư vào công nghệ thông tin, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở nước ta.

Các nhà quản lý các tập đoàn này đã tìm thấy ở Việt Nam sự ổn định về chính trị, kinh tế, pháp luật bảo đảm an tòan cho các khoản đầu tư lâu dài của họ; chất lượng nguồn nhân lực - con người Việt Nam thích ứng với các ngành công nghệ, dịch vụ tương lai, đòi hỏi tính sáng tạo, ý tưởng mới, năng động trong tư duy và hành động.

Để thu hút có hiệu quả và chất lượng hơn FDI của TNCs từ các nước OECD cần lưu ý 4 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, chiến lược toàn cầu về đầu tư và thương mại của từng TNC và việc điều chỉnh chiến lược để thích ứng với trạng thái của kinh tế thế giới và các quốc gia.

Thứ hai, công khai, minh bạch về luật pháp, giảm thiểu thời gian tiến hành các thủ tục hành chính và chi phí cơ hội; loại bỏ chi phí bôi trơn, tham nhũng là đòi hỏi của TNCs, nhất là TNCs của Mỹ và châu Âu.

Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà nước ta đã cam kết trong nhiều hiệp định liên quan đến đầu tư và các FTA mới với những quy định khắt khe, cao hơn và phạm vi rộng hơn là vấn đề nổi lên trong thu hút FDI từ TNCs.

Thứ tư, đổi mới cách làm từ xúc tiến đầu tư đến thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án và hổ trợ nhà đầu tư khi gặp khó khăn.

Thành công của nhiều địa phương thu hút FDI trong những năm gần đây như Bắc Ninh, Thái Nguyên khẳng định vai trò của người đứng đầu tỉnh, thành phố khi tiếp xúc với chủ tịch, CEO của TNCs, chỉ đạo các cơ quan và công chức nghiêm chỉnh thực hiện đúng các cam kết trong các cuộc gặp cấp cao, tạo lòng tin cho nhà đầu tư.

Trong khi vẫn tiếp tục coi trọng FDI của châu Á và doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong những năm sắp tới, cần thu hút nhiều hơn FDI của TNCs từ các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu và Mỹ để cùng với việc thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tư nhân với quy mô lớn hơn vào năm 2020, nâng cao hiệu quả và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

GS-TSKH Nguyễn Mại 
Nguồn: baodautu.vn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: