Điểm tin

Để doanh nghiệp trong nước chủ động, tự tin trong hội nhập

07 tháng 04. 2017

Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp doanh nghiệp trong nước có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu với mức thuế ưu đãi. Nhưng đồng thời, luật lệ, môi trường cạnh tranh khi tham gia FTA cũng tạo ra những thách thức lớn với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng "sức đề kháng" để chủ động, tự tin và hiệu quả hơn trong sân chơi hội nhập.

Cơ hội lớn từ các FTA

Nhìn tổng quan về các FTA mà Việt Nam đã ký kết, đàm phán, có thể thấy nước ta là một trong số những nước tham gia nhiều FTA nhất trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, FTA chính là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường sâu, rộng hơn. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nước ta đã ký kết được nhiều FTA có chất lượng. 

Năm 2015 được xem là năm “bội thu” về đàm phán và ký kết các FTA của nước ta khi cùng lúc đàm phán với nhiều đối tác quan trọng như: Liên minh Châu Âu (EU), Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc... và cùng năm này kết thúc đàm phán với tất cả các đối tác. Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định: Hiện nước ta đã tham gia và đang đàm phán 16 FTA, trong đó có 10 FTA đã ký và đã có hiệu lực; 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực là TTP; Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã kết thúc đàm phán, đang chờ hoàn tất những thủ tục pháp lý để tiến hành ký kết và còn 4 FTA đang đàm phán.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại cần có FTA với các nền kinh tế lớn trên thế giới và tại sao cần có nhiều FTA? Lý giải điều này, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, hiện thương mại của nước ta đang phụ thuộc rất lớn vào khu vực Đông Á. Trong quá trình trao đổi thương mại, Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ các nước trong khu vực này. Vì vậy, nước ta cần có FTA với các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU để hướng tới sự cân bằng cán cân thương mại.

Doanh nghiệp Việt Nam được gì từ các FTA?

Các chuyên gia kinh tế đều chung quan điểm, việc tham gia FTA, mở cửa thị trường, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt từ việc cắt giảm thuế quan, giá bán sản phẩm sẽ rẻ hơn, sức cạnh tranh của doanh nghiệp tốt hơn. Ví dụ, một chiếc áo sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước EU, khi chưa có EVFTA có giá thành 10 USD/chiếc, cộng với 25% thuế (2,5USD) thì chiếc áo có giá là 12,5 USD. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu sẽ giảm xuống còn 0% theo lộ trình, như vậy sức cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng lên rất nhiều.

Bên cạnh đó, FTA cũng góp phần bảo đảm cho các doanh nghiệp được đối xử công bằng, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. FTA thế hệ mới có những nguyên tắc rất quan trọng, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước không được lạm dụng vị trí thống lĩnh để gây ra cạnh tranh bất bình đẳng. Nhà nước phải bảo đảm vai trò độc lập, không được can thiệp hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành phần kinh tế khác. Những quy định này bảo đảm quyền của doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đối xử công bằng và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Bên cạnh đó, FTA còn góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cả phần cứng và mềm. Trong một số FTA có quy định về mua sắm chính phủ, cho phép đấu thầu công khai, minh bạch chứ không phải chỉ định thầu như trước đây, điều này sẽ hạn chế sự chi phối của những doanh nghiệp “sân sau” mở ra cơ hội bình đẳng cho các đối tượng khác nhau.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, các FTA thế hệ mới còn là động lực quan trọng giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng. Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, doanh nghiệp ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính về thuế. Việc cải cách hành chính là điều các doanh nghiệp đang cần nhất trong quá trình hội nhập. Thực tế, doanh nghiệp rất cần cơ sở pháp lý vững chắc, chính sách minh bạch để hoạt động thuận lợi.

Doanh nghiệp cần tăng tính chủ động     

Trong 3 tháng đầu năm 2017, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở nước ta tăng mạnh cả về số dự án cũng như vốn đăng ký. Tổng số vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đã tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I-2017 đạt gần 44 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn vào những con trên, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và muốn mở rộng đầu tư vào nước ta. Việc xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam cũng khá thuận lợi.

Vậy nhưng, có những vấn đề khi thực hiện các FTA mà chúng ta không thể không quan tâm. Ví dụ như, nhìn lại hơn 1 năm từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, đặc biệt sau khi các doanh nghiệp của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị BigC, Metro tại Việt Nam thì nhiều chuyên gia lo ngại, các doanh nghiệp trong nước đang thất thế ngay trên chính sân nhà. Các chuyên gia nước ngoài cảnh báo, việc chú trọng đến xuất khẩu đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam “bỏ quên” thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu người. 

Không những vậy, tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế còn yếu. Theo khảo sát mới đây của VCCI, mới chỉ có 17-18% doanh nghiệp hiểu rõ về AEC. Bộ Công Thương cũng nhận được rất ít câu hỏi từ phía các doanh nghiệp về các khung khổ pháp lý, lộ trình cắt giảm thuế quan các mặt hàng cũng như lợi ích mà các FTA mang lại cho doanh nghiệp. Rõ ràng, mức độ nhận thức, quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam về FTA còn rất hạn chế.

Về các hoạt động xuất-nhập khẩu, việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá là xu thế bắt buộc trong một số FTA. Với phương thức này, doanh nghiệp xuất khẩu hoặc nhập khẩu sẽ tự khai báo xuất xứ của hàng hoá với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, mà không cần phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) như thông thường. Tuy nhiên, khi áp dụng phương thức này những doanh nghiệp không có kiến thức đầy đủ về các quy tắc xuất xứ sẽ lúng túng trong việc thực hiện.

Nếu doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ không đúng có thể ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu tương tự của Việt Nam sang nước đó. Khi cơ quan hải quan của nước nhập khẩu phát hiện xuất xứ hàng hóa không đúng, có thể thực hiện lệnh tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì thế, nếu kiểm soát không tốt sẽ ảnh hưởng tới hàng hóa của Việt Nam, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi tham gia FTA, ngoài sự hỗ trợ về thể chế, chính sách của Chính phủ thì rất cần sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh. Hiện đang có tình trạng khi một số doanh nghiệp được nhà nước bảo hộ, phát triển đến một tầm nhất định thì bán doanh nghiệp và bán cả thương hiệu. Hoặc các doanh nghiệp dựa vào mối quan hệ thân hữu với người quản lý rồi làm ăn kiểu “chộp giật”, cạnh tranh thiếu lành mạnh... đây là kiểu tư duy “ăn sổi” cần phải sớm loại bỏ tận gốc.

Tiến sĩ Hoàng Trung Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia chỉ ra một vấn đề nữa, đó là, các doanh nghiệp trong nước dường như chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề quản trị nhân sự. Trong khi nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng nhất đem lại thành công cho doanh nghiệp. Tiến sĩ Hoàng Trung Dũng đưa ra quan điểm: Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng đến quản trị nhân sự, giữ chân nhân tài, đầu tư cho đào tạo để có đội ngũ nhân lực tốt và ổn định.     

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương cho biết, rất sẵn sàng lắng nghe, giải đáp thấu đáo cho doanh nghiệp hiểu về FTA. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ về FTA để có sự chuẩn bị tốt nhất. Bên cạnh xuất khẩu thì các doanh nghiệp cần chú trọng đến thị trường nội địa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Các FTA chính là những cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức. Nếu các doanh nghiệp trong nước có những chiến lược phát triển đúng đắn, tăng tính chủ động tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu thì hiệu quả mà các FTA mang lại sẽ rất cao. Ngược lại, nếu không tăng tính chủ động, nâng cao tiềm lực, sức đề kháng thì doanh nghiệp có thể sẽ thua ngay trên chính thị trường nội địa, chứ chưa nói đến thị trường nước ngoài.

Nguồn: Quân Đội Nhân Dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: