Điểm tin

Duy trì APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực

26 tháng 05. 2017

Tham dự Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại lần thứ 23 (MRT 23) của APEC và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Hà Nội mới đây, các đại biểu đến từ 21 thành viên APEC đều ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực vì thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương. Sau đây là một số ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Ca-na-đa P.Cham-pác-nê:

Ấn tượng về sự chuẩn bị của Việt Nam

Tôi rất ấn tượng với sự chuẩn bị của Việt Nam và muốn gửi lời chúc mừng tới các Bộ trưởng tham gia MRT 23 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội tươi đẹp và giàu lòng mến khách. Việc làm chủ nhà của sự kiện này không dễ do mỗi thành viên đều có quan điểm và lợi ích riêng. Tôi nghĩ, chủ nhà Năm APEC 2017 đã chủ trì hội nghị thành công, hướng các thành viên APEC đi đến một sự nhất trí chung trong nhiều vấn đề, trong đó có nhiều vấn đề còn khác biệt. Bên cạnh đó, rất nhiều nội dung mà Việt Nam đưa ra thảo luận cũng phản ánh góc nhìn của Ca-na-đa, như giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng giao thương, hỗ trợ các nhóm kinh doanh của phụ nữ, hộ gia đình và người dân tộc thiểu số…

Tôi rất vui mừng trước sự phát triển rất tốt đẹp của mối quan hệ giữa Ca-na-đa và Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Việt Nam hiện trở thành bạn hàng lớn nhất của Ca-na-đa trong ASEAN. Hợp tác giáo dục phát triển nhanh những năm gần đây và trở thành một trụ cột trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hiện có khoảng 250 nghìn người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở Ca-na-đa, là cầu nối cho quan hệ hữu nghị và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Hai bên cũng có nhiều tiềm năng hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực khác, như lâm sản, nông sản, hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin.

Bộ trưởng Thương mại Niu Di-lân T.M.Clây:

Thúc đẩy hiện thực hóa TPP-11

Tại cuộc họp của 11 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên lề MRT 23, các bên cho thấy sự thống nhất và mong muốn đi tiếp để có thể hưởng lợi khi TPP có hiệu lực. Chúng ta đã có một thỏa thuận TPP chất lượng rất cao. Đó là một loạt các thỏa thuận chung được đồng ý từ các nước châu Á - Thái Bình Dương. Các nước và các doanh nghiệp đều có lợi khi có các luật lệ rõ ràng và được tuân thủ. Tại cuộc họp ở Nhật Bản vào tháng 7 tới, các bên sẽ tính toán chi tiết để làm sao đưa hiệp định khởi điểm gồm 12 nước (TPP-12) nay không còn Mỹ tham gia (TPP-11) có hiệu lực đúng lộ trình, tức là vào tháng 3-2018. Thời gian không còn nhiều, do đó các bộ trưởng sẽ phải làm việc rất tích cực trong những tháng tới, tập trung giải quyết nội dung chương trình nghị sự để có thể đưa ra một văn kiện chung kịp thời trình các nhà lãnh đạo xem xét vào tháng 11 tới.

Mỗi nước đều phải xem xét giá trị kinh tế, chiến lược của mình khi tham gia TPP, song lợi ích chiến lược chung của TPP là một loạt quy định rất cao về thương mại tự do. Tại cuộc họp ở Hà Nội lần này, các nước TPP-11 đã ra tuyên bố chung nhất trí ủng hộ tiếp tục thúc đẩy TPP đi vào cuộc sống; để ngỏ khả năng cho các nước khác tham gia TPP nếu họ đáp ứng các yêu cầu cao của hiệp định và nêu ý tưởng làm sao để hiệp định đủ hấp dẫn đưa Mỹ quay trở lại trong tương lai.

Tôi nhấn mạnh, 11 nước đang tham gia TPP sẽ nỗ lực tìm giải pháp hiện thực hóa văn bản này, chứ không phải đàm phán lại hiệp định. Nếu nước nào cũng muốn thay đổi nội dung hiệp định thì chúng ta sẽ mất cơ hội cho một thỏa thuận chất lượng cao, có lợi cho toàn bộ người dân và các nền kinh tế trong khu vực.

Ông G.Đrăm-mơn, chuyên gia cấp cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD):

Hướng tới tự do thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương

Hiệp định TPP được đàm phán từ tháng 3-2010 và gồm 12 quốc gia, gồm Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xin-ga-po, Mỹ và Việt Nam ký vào đầu năm 2016. Đây là một thỏa thuận thương mại tự do tầm cỡ nhất thế giới. Đầu năm 2017, Chính quyền mới của Mỹ đã rút khỏi TPP khiến hiệp định này tạm "đóng băng". Trong khi đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cơ cấu do Trung Quốc khởi xướng, hiện gồm mười nước ASEAN và các đối tác thương mại của Hiệp hội là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Ấn Độ tham gia. Tại các hội nghị ở Hà Nội lần này, các bên tham gia RCEP ủng hộ thúc đẩy hoàn tất đàm phán về hiệp định này vào cuối năm nay.

Theo tôi, thực tiễn và mục tiêu của APEC là hướng tới tự do thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường thịnh vượng cho tất cả công dân của các nền kinh tế khu vực. Có rất nhiều con đường để đi tới đích đó. TPP là một cách. RCEP cũng là một hướng. Do vậy, dù là TPP, RCEP hay các sáng kiến khác thì đó đều là những hướng đi đúng đắn thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Nguồn: Báo Nhân dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: