Điểm tin

Thái Lan - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN

14 tháng 07. 2017

Trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 5,67 tỷ USD (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016)

Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN và Việt Nam là bạn hàng lớn thứ hai của Thái Lan. Thương mại Việt Nam – Thái Lan đã tăng trưởng hơn 40% trong những năm qua. Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu bất ổn, năm 2015 mức tăng trưởng vẫn đạt 10% với tổng kim ngạch lên tới gần 13 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 5,67 tỷ USD (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,79 tỷ USD (tăng 23,6%) và nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan 3,88 tỷ USD (tăng 23%).

Mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 2 nước đến năm 2020 sẽ đạt 20 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam hiện đã xóa bỏ hơn 8.600 dòng thuế và sẽ tiếp tục xóa bỏ 669 dòng thuế vào năm 2018. Thái Lan cũng đã xóa bỏ hơn 9.500 dòng thuế theo cam kết ATIGA. Mặt khác, theo lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN và những hiệp định khác mà hai nước cùng tham gia thì kim ngạch song phương sẽ tiếp tục gia tăng.

Việt Nam hiện đang là nước nhập siêu do cơ cấu mặt hàng của hai nước tương đối giống nhau, nhưng nhiều mặt hàng của bạn luôn có tính cạnh tranh cao hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng thường thích nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Thái Lan thay vì ở Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp Thái Lan thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại rất hiệu quả tại Việt Nam.

Hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Thái Lan nhiều nhất là hàng điện gia dụng và linh kiện chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu háng hóa các loại từ thị trường này, trị giá trên 454,4 triệu USD, giảm 3,2% so với 5 tháng đầu năm 2016.

Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng thứ 2 về kim ngạch (đạt 348,9 triệu USD, chiếm 9% trong tổng kim ngạch, tăng 11%)

Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan đứng thứ 3 về kim ngạch (đạt 287,5 triệu USD, chiếm 7,4%, tăng 27,4%); Tiếp sau đó là nhóm hàng rau quả (đạt 286,9 triệu USD, chiếm 7,4%, tăng mạnh 143%); chất dẻo nguyên liệu (đạt 236,5 triệu USD, chiếm 6%, tăng 15%).

Trong 5 tháng đầu năm nay , hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Thái Lan đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nổi bật nhất là mặt hàng ngô tăng mạnh 323% so với cùng kỳ năm ngoái, trị giá 44,3 triệu USD.

Bên cạnh đó, nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng mạnh ở một số nhóm hàng như: Hóa chất tăng 82%, trị giá 148 triệu USD; kim loại thường (tăng 181%, trị giá 84,4 triệu USD); Sắt thép (tăng 91%, trị giá 37,7 triệu USD); thuốc trừ sâu và nguyên liệu (tăng 88%, trị giá 21,2 triệu USD); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (tăng 65%, trị giá 3,6 triệu USD).

Ngược lại, nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm từ Thái Lan sụt giảm rất mạnh 93,4% về kim ngạch so với cùng kỳ, chỉ đạt 0,4 triệu USD. Bên cạnh đó, nhập khẩu phân bón, sữa và dầu mỡ động thực vật cũng giảm mạnh với mức giảm tương ứng 25%, 27% và 20% so với cùng kỳ.

Hiện Thái Lan cũng là nhà đầu tư lớn thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 8,13 tỷ USD trong 458 dự án, tính đến hết tháng 3-2017. Cơ hội hợp tác giữa hai nước còn rất nhiều, Chính phủ đang tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam và Thái Lan tuy không có chung đường biên giới, nhưng có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại-đầu tư như nhiều nét tương đồng về văn hóa, sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, sự năng động của giới doanh nghiệp hai nước. Việc đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Thái Lan sẽ khai thác được tiềm lực sẵn có của cả hai bên, để cùng thâm nhập thị trường AEC với hơn 600 triệu dân và tổng GDP lên tới 3.000 tỷ USD.

Nguồn: Vinanet

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: