Điểm tin

Rất ít doanh nghiệp nội thực sự hiểu về AEC

21 tháng 07. 2017

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được cho là thị trường gần gũi với doanh nghiệp Việt Nam và có nhiều cam kết sẽ được thực hiện như sự lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Tuy nhiên, mới chỉ hơn 10% doanh nghiệp trong nước thực sự hiểu về thị trường này, theo thông tin tại buổi tọa đàm diễn ra ngày 19-7 tại Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam", Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết, việc thành lập AEC và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm thực hiện tiến trình hội nhập.

Kế hoạch AEC 2025 hướng tới một ASEAN có sức bật mạnh mẽ, phát triển toàn diện và lấy con người làm trung tâm. Kế hoạch này bao gồm năm lĩnh vực hợp tác: tăng cường vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, mô hình hợp tác công - tư, thu hẹp khoảng cách phát triển, khuyến khích các bên liên quan đóng góp vào nỗ lực hội nhập khu vực.

Cũng theo ông Minh, ASEAN có tiềm năng lớn để trở thành một nhân tố có ảnh hưởng trong nền kinh tế toàn cầu. Khi xu hướng bài toàn cầu hóa và tự do thương mại đang trỗi dậy, ASEAN được xem như là biểu tượng của chủ nghĩa khu vực mở. Một khi có hiệu lực, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand sẽ là một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm gần 1/2 dân số thế giới và hơn 1/3 thương mại toàn cầu.

Sau RCEP, ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia vào nền kinh tế toàn cầu với các đối tác thương mại tự do. Hiện ASEAN đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Hồng Kông, đồng thời nghiên cứu khả năng thiết lập quan hệ thương mại tương tự với Liên minh Kinh tế Á -  Âu và Canada.

AEC là một thị trường thống nhất, một nền kinh tế mở với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và đang tiến hành đàm phán. Tuy nhiên, theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh, lợi ích và cơ hội AEC có thể đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, thấu đáo. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức khi tham gia AEC, trong đó nổi lên là áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ.

Theo ông Minh, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập. Theo một số khảo sát cho thấy chỉ có khoảng hơn 10% doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC.

Thực tế, theo một số chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu sang các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản vì Việt Nam và những nước này có mặt hàng bổ trợ cho nhau. Nhưng đối với ASEAN, các thành viên có sự phát triển kinh tế tương đồng, cùng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng mang tính cạnh tranh lẫn nhau. Những sản phẩm này đều hướng tới tiêu thụ tại thị trường Mỹ và EU.

Ngoài ra, ASEAN tuy gần gũi về mặt địa lý nhưng nội khối còn có những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc... Do đó, để các thành viên có sự liên kết chặt chẽ với nhau, trở thành một khối thống nhất đúng nghĩa là điều vô cùng khó khăn.

Qua tìm hiểu, số doanh nghiệp tham dự toạ đàm thực sự đã xuất khẩu sang ASEAN rất ít hoặc nếu xuất khẩu thì tỷ trọng không đáng kể. Ông Nguyễn Đức Hậu, Phó giám đốc Công ty UniExport chuyên xuất khẩu các mặt hàng như gỗ viên nén, gỗ ép, cho biết xuất khẩu sang ASEAN có một số điểm thuận lợi như chi phí logistic thấp, miễn giảm thuế quan... Nhưng sau 5 năm tiếp cận thị trường này thì tỷ lệ xuất khẩu của UniExport vào ASEAN chỉ chiếm khoảng 5-10% doanh thu của công ty năm 2016. Đồng thời ông Hậu cũng không kỳ vọng sẽ tăng được doanh số bán hàng tại thị trường này trong thời gian tới do nhu cầu thị trường rất thấp.

Theo ông Ponciano Intal, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á, thuế quan dù đang giảm theo lộ trình nhưng rào cản thương mại phi thuế quan lại đang nổi lên, ảnh hưởng tới sự luân chuyển hàng hóa dịch vụ. Do đó, AEC còn rất nhiều việc phải làm trong đó có việc cắt giảm thủ tục hành chính;thúc đẩy sự luân chuyển lao động có kỹ năng; cắt bỏ các rào cản liên quan tới việc hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ…

Nguồn: Thesaigontimes

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: