Điểm tin

Từ ASEAN đến AEC: Leo dốc đến phồn vinh

02 tháng 08. 2017

Cô ca sĩ trẻ, không tên tuổi, vừa cầm chiếc điện thoại thông minh vừa ra sức ca một bài ca theo điệu “ráp” sôi động, nhằm thu hút người đi đường dừng lại trước cửa hàng bán điện thoại mới mở trên đường Trần Não, Quận 2, TPHCM. Con đường này vừa được chấn chỉnh, dọn dẹp lề đường, nhưng vẫn ngổn ngang công trình xây dựng… Bên kia đường là một siêu thị, nhiều quán lẩu dê, thỏ, cừu, cạnh chi nhánh các ngân hàng và không thiếu các quán cơm chay.

ASEAN-5 năng động

Đó không phải là hình ảnh đặc sắc của Quận 2, TPHCM, Việt Nam, nhưng có nhiều ở Hà Nội, Đà Nẵng và ở các đô thị Đông Nam Á như Jakarta, Bangkok: Vừa phát triển kinh doanh, vừa dọn dẹp lề đường và vừa lo… giảm cân.

Đông Nam Á đang tăng trưởng, mặc dù hơi chậm. IMF dự báo GDP bình quân của ASEAN-5 năm 2017 sẽ là 5,1% so với bình quân 4,6% của tất cả các nền kinh tế mới nổi.

Người tích cực sẽ cho rằng “tăng trưởng chậm để giữ được các yếu tố bền vững”, còn người bi quan cho rằng “tăng trưởng chậm vì quá nhiều khác biệt.”

Tờ The Economist hôm 22/7/2017 nhận định: “Nhìn chung, 10 quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng trưởng với tốc độ hằng năm là 5% trong 5 năm qua: Không nhanh như Trung Quốc hay Ấn Độ, nhưng nhanh hơn nhiều so với châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Dân số 625 triệu người trong khu vực đang phát triển phong phú hơn và giáo dục tốt hơn, họ sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh và thịnh vượng hơn cha mẹ của họ. Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều người nghèo.”

Không phải lúc nào các nền kinh tế ASEAN cũng đều khỏe mạnh. Chỉ một thế hệ trước, Myanmar đã bị cấm vận cắt đứt khỏi thế giới. Vào năm 2002, người viết bài này đã đến Rangoon để thực hiện một nghiên cứu thí điểm cho luận án tiến sĩ truyền thông và đã “tiêu cực” khi cảm thấy con đường phát triển của Myanmar còn rất mù mịt. Thế nhưng, một đồng nghiệp của tôi, ông Tha Tun Oo (tên tiếng Anh là Michael Lim) hiện nay là Chủ tịch Hội xuất bản Đông Nam Á, ủy viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Myanmar, đã sang thăm Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua và khi gặp chúng tôi ở TPHCM, ông nói Myanmar đã thay đổi “quá nhiều đến nỗi ông bị ngợp” và ông cười: “Chúng tôi sẽ bắt kịp Việt Nam trong nay mai”.

Khu vực 10 nước Đông Nam Á (không kể Timor Leste) với một đường ranh phân thành hai loại phát triển: Tốp trên gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và tốp dưới: Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia, Việt Nam. Tuy vậy cuộc khủng hoảng tài chính 1997 khởi phát từ Thái Lan dường như đã phá vỡ cái trật tự đó. 

Việt Nam, đứng thứ 3 về dân số (sau Indonesia và Philippines), dường như ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhờ lý do ổn định chính trị, đã nỗ lực hội nhập và vươn lên vào nhóm ASEAN-5. Nhà công nghiệp Vitcom của tập đoàn Amata Thái Lan từng nói: “May mắn thay, dự án đầu tư của chúng tôi  vào Việt Nam - một thành viên của nhóm ASEAN-5. Trong suốt thời gian khủng hoảng, bất động sản ở Thái Lan vấp phải nhiều khó khăn và sự cố, nhưng các doanh nghiệp ở Việt Nam thì ít bị ảnh hưởng hơn”.

Vậy nhóm ASEAN-5 là gì? Tạp chí nổi tiếng về xếp hạng kinh tế thế giới Forbes trong số ra ngày 21/6/2016 đã dùng từ “con hổ” (dù vẫn trong ngoặc kép) cho 5 nền kinh tế: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Forbes cho rằng 5 nền kinh tế này đã đi lên từ số 0 trong cuộc khủng hoảng 1997-1998 của khu vực. Vậy nhờ cái gì? Theo tác giả, “nhờ các cải tổ thể chế” (và chỉ có thể chế mà thôi) mà hiện nay (sau cả cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên của thế kỷ 21 vào năm 2008, khởi đi từ Mỹ) các nước trên “vẫn là ngôi sao của những nền kinh tế mới nổi, nếu không muốn nói là của nền kinh tế toàn cầu,” tác giả Harry Broadman của tạp chí Forbes nhấn mạnh. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN ở Phnom Penh hồi tháng 5 qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam sẽ là đối tác mạnh và có trách nhiệm trong ASEAN và nhất là ASEAN-5.

Cải tổ thể chế để tiến tới phồn vinh

Người Việt ta thường nói: Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Các cuộc khủng hoảng kinh tế chính là “liều thuốc thử” khiến các nền kinh tế tốp dưới không còn cách nào khác ngoài việc phải cải tổ thể chế. Indonesia, Philippines và Thái Lan đều buộc phải thay đổi các chính sách kinh tế vĩ mô và nỗ lực để kiềm chế chủ nghĩa thân hữu. Việt Nam chúng ta, không cách nào khác, phải cải tổ thể chế quyết liệt theo các chuẩn mực của kinh tế thị trường toàn cầu. Dường như mô hình công ty quốc doanh và kế hoạch tập trung quan liêu đã dần “hoàn thành vai trò lịch sử” của mình. Tháng 6 vừa qua, nghị quyết số 10 về kinh tế tư nhân là một trong những cải tổ thể chế lớn và đủ mạnh để các doanh nghiệp Việt tận dụng các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN mà phát triển.

Ông Philip Richard, một người Pháp, nhưng làm việc lâu năm ở Thái Lan, nay là Tổng Giám đốc của INSEE, công ty đã mua lại công ty xi măng Holcim ở Việt Nam, cho biết sở dĩ công ty Siamcity của ông muốn đầu tư vào Việt Nam vì “lao động còn rẻ và chuyên cần, thị trường còn nhu cầu lớn về xi măng”.

Thị trường tự do đang thắng

Mặc dù trong toàn khối ASEAN, chủ nghĩa bảo hộ và nạn tham nhũng vẫn chưa giảm như mong đợi, nhưng nhìn chung kinh tế tự do đang thắng, cả về lý thuyết và thực tế.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam, tất nhiên là tư nhân, và người lao động Việt, đủ lòng tin như thế, thì tự nhiên “sức hút” của thỏi nam châm lợi ích của AEC sẽ khiến họ không thể không tự cải tổ chính mình để nắm lấy cơ hội.

Thực tế này sẽ bác bỏ những ý kiến rằng: Doanh nghiệp Việt không biết nhiều về các hiệp định thương mại tự do ASEAN, không tìm hiểu về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chỉ biết làm ăn dựa vào quan hệ, nên rất ngại hội nhập với khu vực ASEAN v.v... và v.v…

Trong khi đó, ông Tha Tun Oo, Ủy viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar, đánh giá cao các công ty Việt đang đầu tư vào Myanmar như Hoàng Anh-Gia Lai, FPT, Công ty địa ốc Hòa Bình…

Theo số liệu chính thức của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Myanmar, tính đến tháng 2/2015, trong top 30 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Myanmar, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 về quy mô đầu tư với 7 dự án, tổng vốn trị giá 513 triệu USD.

Giá lao động của ASEAN-5 hiện nay vẫn thấp hơn giá lao động Trung Quốc, bình quân 400 USD/tháng ở Thái Lan và Việt Nam và 200 USD/tháng ở Indonesia, cùng các chính sách ưu đãi khác, khu vực ASEAN-5 sẽ thu hút các công ty đa quốc gia.

Người Việt nằm trong số những người thu nhập thấp của ASEAN, là người khát khao tự do phát triển để tìm kiếm phồn vinh, do vậy, một khi thể chế cởi mở đủ, thì họ sẽ không từ bỏ cơ hội làm giàu, dù ở trong nước, hay bỏ vốn ra nước ngoài.

Ông Vitcom, Chủ tịch Tập đoàn Amata, Thái Lan, đầu tư vào Việt Nam 20 năm qua, đã cho rằng một khi  không còn biên giới, không có hạn chế, và miễn thuế quan thì sẽ có nhiều kỳ vọng cao hơn giữa các thành viên của AEC.

“Tất nhiên, không có sự thịnh vượng nào là dễ dàng. Tôi có nhiều ước mơ, một số đang trở thành sự thật, trong khi những cái khác sẽ luôn là ước mơ. Nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục có nhiều ước mơ vì tôi đặt niềm tin vào Việt Nam, cũng như các vị trí chiến lược khác của Việt Nam, Thái Lan và Myanmar,” ông phát biểu nhân kỷ niệm 20 năm đầu tư thành công vào Việt Nam./.

Nguồn: Báo Chính phủ

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: