Điểm tin

ASEAN- Bước chuyển mình sau 50 năm

09 tháng 08. 2017

Ngày 8/8/2017, đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với những thành tựu đáng tự hào, được thế giới công nhận là một trong những tổ chức đa phương thành công nhất.

Mô hình liên kết khu vực thành công

ASEAN được thành lập vào ngày 8/8/1967 ở Bangkok (Thái Lan). Năm thành viên sáng lập bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan mong muốn tổ chức này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hòa bình trong khu vực.

Từ 5 nước ban đầu, ASEAN đã lớn mạnh, trở thành cộng đồng gồm 10 quốc gia làm chủ vận mệnh của mình và ngày càng trưởng thành hơn về chính trị, vững vàng hơn về kinh tế, hoàn thiện hơn về thể chế, gắn kết hơn trong quan hệ.

Trong bài phát biểu trên Truyền hình quốc gia ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Trải qua thăng trầm lịch sử, vượt kỳ vọng ban đầu, ASEAN không chỉ biến Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang hợp tác, từ chia rẽ sang đoàn kết mà đỉnh cao là hình thành Cộng đồng ASEAN”.

Trong 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đạt được nhiều thành công trên các lĩnh vực. Đáng chú ý, có 3 thành công lớn nhất.

Thứ nhất, vượt qua những khác biệt về thể chế chính trị và văn hóa, các thành viên ASEAN đã chung tay tạo nên một mô hình liên kết khu vực thành công, góp phần duy trì, ổn định khu vực, tạo ra môi trường hòa bình cho người dân sinh sống và phát triển.

Thứ hai, xuất phát điểm là vùng trũng của kinh tế thế giới cách đây 50 năm, giờ đây ASEAN đã vươn mình trở thành một cộng đồng kinh tế đứng thứ 6 thế giới với GDP đạt gần 3.000 tỷ USD/năm, tạo ra thị trường rộng lớn 630 triệu dân và duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 4,7%/năm

Thứ ba, ASEAN đã tạo ra sự gắn kết nội bộ khối cũng như với những đối tác bên ngoài bao gồm các cường quốc, các quốc gia quan trọng trên thế giới thông qua những cơ chế hợp tác liên quan tới chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế.

ASEAN đã phát triển như thế nào sau 50 năm?

ASEAN đã chuyển mình từ một khu vực với những nền kinh tế nghèo nàn, chủ yếu là nông nghiệp, trở thành một trung tâm sản xuất với hàng loạt sản phẩm công nghệ cao.

Trong một bài báo gần đây, Bloomberg - cơ quan thông tấn hàng đầu thế giới đã đưa ra phân tích, trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, có một số nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế vào hàng nhanh nhất thế giới như Philippines và Việt Nam, với mức tăng hàng năm hơn 6%.

Sự kết hợp giữa dân số hơn 620 triệu người và một nền kinh tế khu vực hơn 2,6 nghìn tỷ USD mang lại cho ASEAN một tiềm năng đầu tư khổng lồ. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới.

Bloomberg cũng đưa 4 biểu đồ cho thấy sự phát triển của ASEAN sau 5 thập kỷ:

GDP của ASEAN đã tăng lên mức khoảng 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2016, tương đương nền kinh tế Anh, từ mức chỉ 37,6 tỷ USD vào năm 1970. Theo dự báo của BMI Research, kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2018, trong đó Myanmar, Việt Nam và Philippines sẽ là những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực.

Xét về thương mại, một số nền kinh tế hàng đầu ở ASEAN như Singapore có mức độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu, khiến những nước này chịu sự tác động mạnh của chu kỳ tăng trưởng toàn cầu. ASEAN cũng đã nổi lên thành một điểm đến thay thế Trung Quốc đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhờ chi phí lao động “mềm” hơn, nhu cầu nội địa gia tăng, và cơ sở hạ tầng ngày càng tốt lên.

Tuy nhiên, thương mại giữa các thành viên ASEAN vẫn ở mức thấp so với các tổ chức khu vực khác như EU - theo công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics. Thương mại khu vực chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, so với tỷ lệ hơn 60% ở EU. Các rào cản phi thuế quan vẫn còn cao giữa các nước thành viên, đặc biệt là ở Indonesia.

Về đầu tư, nhiều quốc gia trong ASEAN đang được hưởng lợi ích từ dân số. Theo dự báo của Nomura Holdings, trong khi các nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông chứng kiến lực lượng lao động suy giảm từ năm 2015, dân số trong độ tuổi lao động của Đông Nam Á sẽ còn tiếp tục tăng đến năm 2020.

Triển vọng tăng trưởng khả quan đang giúp ASEAN thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Trong đó, Tập đoàn nước giải khát Coca-Cola đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam và Myanmar, trong khi hãng công nghệ Apple đang mở trung tâm nghiên cứu ở Indonesia.

Vẫn còn đó những thách thức

Phải nhìn nhận rằng, trong 50 năm qua, ASEAN cũng gặp không ít thách thức. Trong một bài phỏng vấn gần đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: “Trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN không đồng đều, còn có sự khác biệt trong lợi ích. Bên cạnh đó, do vai trò địa chính trị quan trọng của ASEAN nên có sự cạnh tranh của các nước lớn đối với khu vực này. Đó là chưa kể ASEAN cũng phải đối phó với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống”.

Mức độ phát triển khác nhau giữa các quốc gia ASEAN gây khó khăn cho các nước trong quá trình hợp tác và gắn bó khăng khít trên quy mô lớn. Từ đó, việc thực hiện các mục tiêu mà Cộng đồng ASEAN đề ra cũng trở nên khó khăn.

Sự chênh lệch về thu nhập giữa các quốc gia sẽ tạo ra dòng di chuyển lao động. Tình trạng "mất điểm trên sân nhà" có thể dễ xảy ra nếu chính phủ trong nước không kịp điều chỉnh để tạo thế cân bằng với các nước khác.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng là những thách thức không nhỏ đối với ASEAN ở hiện tại cũng như tương lai. Những tranh chấp trên Biển Đông luôn là chủ đề nóng tại các hội nghị của ASEAN. Hay như trong vấn đề khủng bố, nhiều chuyên gia nhận định, việc thành lập Cộng đồng ASEAN giúp người dân dễ dàng di chuyển tới các quốc gia trong khu vực. Tình trạng ấy tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức khủng bố tại khu vực bành trướng thế lực, thu nạp thành viên.

Nguồn: Báo Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: