Điểm tin

Doanh nghiệp Việt đầu tư tại ASEAN: Dư địa và thách thức

11 tháng 08. 2017

Thống kê của Phòng Đầu tư ra nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số gần 1.200 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 21,4 tỷ USD, số dự án tại các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Myanmar chiếm số lượng trên 40%.

Tính đến tháng 1/2017, Việt Nam có 270 dự án đầu tư tại Lào với số vốn đăng ký trên 5 tỷ USD; Campuchia với khoảng 191 dự án, số vốn đăng ký trên 2,89 tỷ USD; Myanmar cũng có vài chục dự án với số vốn hàng tỷ USD.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Lào cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế tại các quốc gia này như nông nghiệp, công nghiệp thủy điện, thương mại, khách sạn - nhà hàng, ngân hàng...

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Đăng Khang - Chánh văn phòng Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư tại Lào - cho biết, Lào có lợi thế về đất đai rộng, phì nhiêu, nhiều tài nguyên khoáng sản, dân số thưa… còn nhiều dư địa đầu tư.

Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, Campuchia, Myanmar, vẫn còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về giới hạn lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng tăng từ doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan... Đơn cử như tại Lào, ông Đỗ Đăng Khang cho hay, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp rất dễ nên không sàng lọc, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, nguồn lao động tại chỗ hạn chế về trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dù có chung đường biên giới nhưng địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi… nên việc vận chuyển, thông thương hàng hóa gặp nhiều rủi ro, khó cạnh tranh với các nước khác.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào - Nguyễn Bá Hùng, với mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và nhiều quốc gia ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa phát triển. Dù vậy, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, đầu tư theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng chính sách ưu đãi.

Nguồn: Báo Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: