Điểm tin

Đàm phán RCEP đứng trước nhiều thách thức

14 tháng 08. 2017

Đứng về phương diện chính trị, RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau.

Quan chức thương mại của 16 nước, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kết thúc đàm phàn về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ngày 28/7 tại Hyderabad, miền Nam Ấn Độ.

Về kết quả của hội nghị cũng như những thách thức mà các nhà đàm phán phải đối mặt, ông Sugawara Junichi - nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Mizuho, nhận định rằng các quan chức thương mại đã đạt được một số tiến triển vẫn chưa thể tiến tới một thỏa thuận.

Trong đó, trở ngại lớn nhất là vấn đề thuế quan. Trong số những nước tham gia đàm phán RCEP, các nước phát triển bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, những nước này hướng tới mức độ tự do hóa thị trường cao gần với mức mà TPP dự kiến đạt được.

Mặt khác, những nước mới nổi như Ấn Độ phải đối mặt với sự phản đối của các ngành công nghiệp trong nước. Do đó, lập trường của họ là việc hướng tới mức độ tự do hóa cao như TPP là không thực tế. Những nước tham gia đàm phán RCEP bất đồng về mức hạ thuế quan và thời gian thực hiện những cắt giảm thuế quan đã được nhất trí.

Mặc dù hầu như chưa có thông tin cụ thể, Nhật Bản đang thúc đẩy để đạt được tiến triển trong việc thiết lập luật lệ, nhưng các cuộc đàm phán về nội dung này có vẻ như không diễn ra suôn sẻ.

Lấy ví dụ như vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, TPP cho phép có 8 năm bảo hộ để phát triển dữ liệu dược phẩm. Nhật Bản đang yêu cầu có thời gian bảo hộ tương tự đối với những dữ liệu như vậy trong RCEP.

Nhưng đa số dược phẩm được bán ở các nước mới nổi, trong đó có Ấn Độ, là các loại thuốc gốc (là thuốc tương đương với biệt dược gốc, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ).

Những nước mới nổi lo ngại rằng thời gian bảo hộ dược phẩm lâu như vậy có thể khiến việc phát triển thuốc gốc chậm trễ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đã 4 năm trôi qua để từ khi bắt đầu đàm phán RCEP. Cho đến nay các nhà đàm phán đã có 19 cuộc thảo luận.

Mục tiêu của họ là đạt được thỏa thuận tổng quát trước cuối năm nay, nhưng trên thực tế, điều đó phụ thuộc vào việc các nước tham gia đàm phán có thể đạt được đột phá như thế nào trong cuộc họp cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra vào tháng 9/2017.

Theo ông Junichi, Nhật Bản hy vọng đạt được một thỏa thuận gần nhất có thể với TPP để đem lại lợi ích cho các công ty Nhật Bản, nhưng nếu Nhật Bản cứ cứng nhắc theo đuổi yêu cầu của mình, các nước mới nổi có thể sẽ không còn hăng hái. Và điều đó sẽ khiến việc ký kết thỏa thuận này thậm chí còn khó khăn hơn.

Ông Junichi cho rằng Tokyo nên tìm cách thỏa hiệp với các nước mới nổi, trong bối cảnh chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang nghiêng về phía chủ nghĩa bảo hộ. Để thúc đẩy thay đổi chính sách đó, Nhật Bản được trông đợi đóng vai trò dẫn đầu để sớm ký kết RCEP.

RCEP là hiệp định thương mại tự do với hơn 3,5 tỷ dân, hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và 6 nước đối tác đã có FTA với ASEAN bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Các nước thành viên của RCEP chiếm tới 24% GDP toàn thế giới và 28% thương mại toàn cầu. Vì vậy, hiệp định này hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn cho các quốc gia thành viên, nhất là các quốc gia có mức độ phát triển thấp.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng đang tồn tại cuộc ganh đua nhằm tạo dựng khuôn khổ của RCEP, khi Trung Quốc và Nhật Bản có cách nhìn khác nhau về thỏa thuận thương mại này. Theo tờ Financial Times, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh đàm phán RCEP, còn các quan chức Nhật Bản và ASEAN lại cho rằng RCEP không nên để cho Trung Quốc dẫn dắt.

Có ý kiến đánh giá rằng RCEP là một thỏa thuận thương mại “chất lượng thấp", do các điều khoản chỉ tập trung vào việc giảm thuế giữa các nước trong ASEAN và các nước láng giềng của khối. Nhật Bản và Australia muốn có một thỏa thuận thương mại "chất lượng cao" bao gồm cả các lĩnh vực như dịch vụ - đầu tư.

Những quan điểm trái ngược trên đã dẫn tới một cuộc ganh đua giữa một bên là Nhật Bản, Australia và bên kia là Trung Quốc trong việc tạo ra một thỏa thuận có khả năng kiến tạo khuôn mẫu thương mại toàn cầu, hội nhập kinh tế tại khu vực đông dân nhất thế giới và khiến các chuỗi cung ứng của khu vực này trở nên cạnh tranh hơn.

Xét trên khía cạnh khác, sự tham gia của Ấn Độ vào RCEP cũng là một câu hỏi lớn, do New Delhi có những mối quan tâm khác nhau đối với các nước tham gia RCEP. Chẳng hạn như Ấn Độ có thể miễn cưỡng để cho các nhà sản xuất Trung Quốc có được những điều khoản nhập khẩu giống như các nước ASEAN áp dụng cho Trung Quốc, để nhắm tới những cơ hội tăng cường thương mại dịch vụ tại các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, nếu như thỏa thuận RCEP đạt được, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể có những lợi thế hơn để tiến vào thị trường ô tô của Việt Nam, và đó cũng là điều mà Mỹ từng nhắm tới khi tham gia TPP. Trong kịch bản này, Nhật Bản và Australia hy vọng các công ty của Mỹ có thể tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Donald Trump để Mỹ cân nhắc và quay trở lại với TPP.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế tthuộc IHS Global Insight tại Singapore, cho rằng mặc dù đứng về phương diện chính trị thì RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: