Điểm tin

Vì một nền kinh tế ASEAN hội nhập, tăng trưởng cao và phát triển bền vững

25 tháng 08. 2017

Năm 2017 là mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) với sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội. Từ một khu vực bị chia rẽ bởi các quan điểm chính trị khác nhau, ASEAN đã trở thành một khối thống nhất, đoàn kết, gắn bó và hữu nghị với sự tham gia của cả 10 quốc gia trong khu vực, một Cộng đồng phồn vinh với các thành viên phát triển nhanh chóng, được ví như những “con rồng”, “con hổ” kinh tế của khu vực.

Sôi động trụ cột kinh tế

Trong bức tranh phát triển chung của ASEAN 50 năm qua, hợp tác kinh tế ASEAN là mảng màu rực rỡ và sống động nhất với những kết quả cụ thể và thiết thực. Đến nay, ASEAN đã trở thành một liên kết kinh tế mạnh mẽ với mức độ tự do hóa cao trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, đồng thời cũng là một nền kinh tế lớn, trung tâm thương mại quan trọng trong bản đồ kinh tế toàn cầu, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới và thứ 3 châu Á với GDP đạt 2.550 tỷ USD năm 2016.

Đến năm 2050, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu. Là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào ngày 31-12-2015, thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất từ tất cả các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN với mục tiêu đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất với sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập đầy đủ nền kinh tế toàn cầu.

ASEAN thúc đẩy xây dựng thị trường chung thông qua sự tự do di chuyển của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động tay nghề. Về tự do hóa thương mại hàng hóa, trên cơ sở Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến hết năm 2016, ASEAN đã xóa bỏ thuế nhập khẩu với 96,01% tổng số dòng thuế, trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của các nước ASEAN-6 gồm Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái-lan và Phi-li-pin là 99,2%, của bốn nước Việt Nam, Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia (CLMV) là 90,9%. Đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của các nước ASEAN-6, CLMV và trung bình ASEAN sẽ lần lượt là 99,2%, 97,81% và 98,67%.

Về tự do hóa thương mại dịch vụ, trong khuôn khổ Hiệp định khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS), ASEAN đã có chín trong số 10 Gói cam kết về thương mại dịch vụ chung, bảy Gói cam kết về dịch vụ tài chính, chín Gói cam kết về dịch vụ vận tải hàng không với phạm vi rộng hơn và mức độ sâu hơn so với các cam kết trong khuôn khổ WTO.

Về tự do lưu chuyển dòng đầu tư, các thành viên ASEAN đã nỗ lực loại bỏ dần các biện pháp bảo lưu trong Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) ký vào năm 2009, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn với các biện pháp, sáng kiến xúc tiến, thúc đẩy, bảo hộ và thuận lợi hóa đầu tư. Về tự do hơn nữa lưu chuyển của dòng vốn, các thành viên ASEAN đã hoàn thành xây dựng Khuôn khổ ASEAN về hội nhập ngân hàng với các biện pháp hài hòa hóa quy định và tiêu chuẩn ngân hàng, tăng cường kết nối các thị trường chứng khoán trong và ngoài khu vực.

Thực hiện chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), ASEAN đã xây dựng các Kế hoạch hành động chiến lược phát triển MSMEs cho từng giai đoạn; triển khai công tác thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) với mục tiêu thúc đẩy liên kết kinh tế ASEAN thông qua việc các nước ASEAN-6 hỗ trợ các nước CLMV hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới một ASEAN thống nhất và phát triển đồng đều (đến nay đã có hai Kế hoạch công tác IAI được triển khai với tổng số 615 dự án trị giá 103,1 triệu USD, Kế hoạch công tác giai đoạn III được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29).

Các thành viên ASEAN tiếp tục xây dựng một ASEAN mở cửa, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua việc thực thi và nâng cấp năm Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký với sáu đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân; kết thúc đàm phán FTA ASEAN - Hồng Công (Trung Quốc) vào cuối tháng 7 vừa qua; triển khai đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sáu đối tác trên. Hợp tác kinh tế với các đối tác quan trọng khác như Mỹ, EU, Ca-na-đa, LB Nga cũng được ASEAN triển khai tích cực.

Khẳng định vai trò của Việt Nam trong liên kết kinh tế ASEAN

Sau hơn 22 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tham gia sâu rộng, toàn diện vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, trong đó có hợp tác kinh tế, theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự vươn lên ngày càng lớn mạnh của hợp tác kinh tế ASEAN thời gian qua. ASEAN là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững với vị trí đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-ASEAN tăng gấp bảy lần sau hơn 20 năm trở thành thành viên của khối này, từ khoảng 5,8 tỷ USD năm 1996 lên 41,49 tỷ USD năm 2016, chiếm tỷ trọng 11,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN năm 2016 đạt gần 17,45 tỷ USD, tăng 6,8 lần với tốc độ tăng bình quân 10%/năm. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp ASEAN. Đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam năm 2016 chiếm 45% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tăng khoảng 2,5 lần so cùng kỳ năm 2015.

Việt Nam đã tham gia tích cực quá trình định hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn về hợp tác kinh tế ASEAN và các sáng kiến cụ thể trong hợp tác kinh tế ASEAN như: Tầm nhìn ASEAN 2020 và kế hoạch triển khai AEC, Lộ trình xây dựng AEC (2009-2015), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể AEC, kế hoạch hành động chiến lược trong các lĩnh vực chuyên ngành nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC 2025, các Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN và các Kế hoạch công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN.

Là một nước có dân số lớn thứ 3 và diện tích lớn thứ 4 trong ASEAN, có vị trí địa kinh tế quan trọng, là một hình mẫu của phát triển kinh tế ổn định và bền vững trong khu vực, Việt Nam luôn phát huy vai trò là một trong những thành viên tích cực trong ASEAN về thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối, ngoại khối và thu được những kết quả tích cực. Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất trong quá trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC 2015. Là nước điều phối hợp tác kinh tế ASEAN-EU, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại hai bên, thúc đẩy khả năng tái khởi động đàm phán FTA ASEAN-EU. Việt Nam cũng được các quốc gia ghi nhận trong vai trò chủ tọa một số Nhóm Công tác trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối.

Vai trò của Việt Nam còn được ghi nhận và đánh giá cao trong dẫn dắt các nước thành viên mới ASEAN (các nước CLMV) trong công tác thu hẹp khoảng cách phát triển và bảo đảm các quốc gia này được hưởng đầy đủ các ưu đãi, hỗ trợ từ các nước ASEAN-6 và đối tác trong quá trình tham gia liên kết kinh tế ASEAN thời gian qua. Việt Nam đã chủ động đề xuất và thúc đẩy các nước ASEAN thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển (năm 2001) để đề ra các phương hướng triển khai Sáng kiến hội nhập ASEAN. Với vị trí Chủ tịch Nhóm đặc trách về Kết nối ASEAN, năm 2010, Việt Nam đã cùng các nước thành viên khác hoàn tất xây dựng Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2010, định hình liên kết chặt chẽ về hạ tầng giao thông, thể chế và con người, là nền tảng cho sự kết nối trong khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Nguồn: Báo Nhân dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: