Điểm tin

Việt Nam sẽ là trung tâm đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ tại Asean

05 tháng 09. 2017

Chương trình hành động cụ thể nhằm phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng cân bằng hơn đó là tiến tới kí kết hiệp định tự do thương mại (FTA). DĐDN đã có buổi phỏng vấn độc quyền ông Mustafa Necati Abacioglu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Phòng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh nội dung này.

Theo ông Abacioglu, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm đầu tư và sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Đông Nam Á. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đến đầu tư tại Việt Nam sẽ nhiều hơn con số 20 doanh nghiệp và 15 dự án với tổng số vốn đầu tư 704 triệu USD như hiện nay.

- Nhìn vào tương quan thương mại hai bên có thể thấy Việt Nam đang xuất siêu, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến quyết định đầu tư mới của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, thưa ông?

Như các bạn đã biết, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 33,8% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 976,6 triệu USD, tăng 33,52% và nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ đạt 126,7 triệu USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ là 849,9 triệu USD, tăng 40,5% so với năm ngoái. Trước tình hình này, về phía Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, không phải bằng việc phát triển kim ngạch thương mại theo chiều xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Việt Nam mạnh hơn. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư sang Việt Nam nhiều hơn. Trước tiên là nói cho doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ thấy được Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt tại khu vực Đông Nam Á.

- Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Hiện nay, một trong những nỗ lực của Hội đồng kinh doanh Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ và Phòng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đó là làm sao để cộng đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ thấy được Việt Nam là một điểm đến đầu tư tiềm năng và đáng tin cậy. Minh chứng cho điều này, chắc chắn chỉ có thể là những câu chuyện kinh doanh thành công của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài nói chung và của Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam nói riêng. Trong đó, phải kể đến Beko – một trong những thương hiệu lớn tại thị trường đồ gia dụng quốc tế thuộc Tổng công ty Arcelik, trực thuộc tập đoàn Tập đoàn Koç Holding-Tập đoàn công nghiệp lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ có đầu tư trên nhiều lĩnh vực (xây dựng, ngân hàng, máy móc thiết bị). Đây là một trong năm tập đoàn lớn của Thổ Nhĩ Kỳ với doanh số chiếm đến 9,5% GDP Thổ Nhĩ Kỳ. Nhãn hiệu này đã có mặt tại thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác và liên kết với doanh nghiệp Việt Nam.

Trước đó, công ty Điện Quang của Việt Nam cũng đã có chuyến thăm chính thức tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập kênh trao đổi thông tin chính thức và thiết lập cơ hội hợp tác với Arcelik. Đây là một cơ hội nhằm nối dài nhịp cầu liên kết giữa doanh nghiệp hai nước, đặc biệt hơn khi Tổng công ty Arcelik đã thành lập Ban nghiên cứu thị trường Việt Nam.

Điều này hoàn toàn phù hợp với chương trình khuyến khích doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ của Chính phủ nước này đối với thị trường Việt Nam.

- Được biết, hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng thuế phạt tạm thời 36,28 % đối với mặt hàng sợi bán thành phẩm Việt Nam. Trong thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có biện pháp xử lý như thế nào “hoá giải” câu chuyện thuế này nói riêng và các loại thuế đánh vào các mặt hàng của Việt Nam nói chung, thưa ông?

Hiện nay, Phòng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đang có những việc làm cụ thể như thực hiện các nghiên cứu, khảo sát từ cộng đồng doanh nghiệp, dựa trên tình hình cán cân thương mại và thị trường thế giới để thực hiện chính sách giảm thuế.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nỗ lực hoàn tất đàm phán với các bộ, ngành liên quan để có thể loại bỏ và giảm thuế trên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có sản phẩm sợi bán thành phẩm. Quá trình này cũng cần có thời gian. Nhưng chúng tôi vẫn không ngừng nỗ lực. Những nỗ lực này của chúng tôi được thể hiện ở việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt Hiệp định tránh đánh thuế trùng và Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Đây là những thuận lợi cơ bản nhằm tiến tới kí kết hiệp định tự do thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Khi hiệp định tự do thương mại giữa hai bên đi vào kí kết, những loại thuế quan, rào cản kinh doanh sẽ không còn, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất và đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Nam Á. Điều này cũng nhằm hiện thực hoá cam kết của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım rằng sẽ xoá bỏ mọi rào cản đang tồn tại giữa doanh nghiệp hai bên.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: