Điểm tin

APEC 2017: Hội nghị thành công nhất từ trước đến nay

05 tháng 09. 2017

Ðó là đánh giá của các đồng chủ tọa tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tổng kết sau hai ngày làm việc 23 - 24/8/2017 về cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế.

Bà Rocio Casildo - Chủ tịch Nhóm công tác APEC về y tế, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Y tế Peru)

Chúng tôi cũng đã trình cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế APEC, cũng như trong các đối thoại chính sách vừa qua, rất nhiều sáng kiến về sự hợp tác và các đối thoại chính sách liên quan đến lao, vấn đề già hóa, sức khỏe tâm thần... nhằm hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững. Với tư cách là Chủ tịch Nhóm công tác APEC về y tế, trong các chương trình hoạt động liên quan đến y tế của APEC trong năm nay - 2017, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của các bạn đồng nghiệp đến từ Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các đại biểu tham dự Hội nghị Các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3).

Năm 2006, Việt Nam đã từng tổ chức Hội nghị APEC và đây là lần thứ hai. Tôi đánh giá cao về sự thành công của hội nghị. Việt Nam cũng đã tạo ra động lực tích cực cho Peru. Việt Nam và Peru đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong thời gian một năm vừa qua. Qua hội nghị lần này, chúng ta càng thấy được các triển vọng lớn trong hợp tác giữa các nền kinh tế trong khu vực APEC.

Bà Maureen Goodenow - Chủ tịch Diễn đàn Sáng kiến Khoa học Đời sống, Giám đốc Phòng nghiên cứu AIDS (Viện Y học Quốc gia Mỹ)

Đầu tiên xin chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao lần thứ 7 về y tế và kinh tế, cũng như các đối thoại chính sách có liên quan. Mặc dù mang tính chất kinh điển như lao và lao đa kháng, bệnh không lây nhiễm hay vấn đề già hóa dân số..., nhưng trong hội nghị lần này, các nội dung của những chủ đề này lại vô cùng sáng tạo. Chúng ta đã xem xét tính không hiệu quả trong hệ thống y tế và chúng ta đã cùng nhau thảo luận, mỗi một nền kinh tế APEC nên giải quyết vấn đề không hiệu quả trong hệ thống y tế đó như thế nào.

Chúng ta cũng đã nhấn mạnh rằng đầu tư vào y tế là đầu tư cho sức khỏe và sự thịnh vượng nói chung, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Y tế đã đầu tư cho từng nhóm quần thể theo từng các độ tuổi, để đảm bảo sự phát triển một cách trọn vẹn trong cả vòng đời của con người là một chủ đề vô cùng thú vị.

Chúng ta cần phải ưu tiên hóa các mục chi ngân sách y tế cho từng can thiệp, đồng thời phải phân tích đầu tư vào y tế đem lại lợi ích gì về mặt sức khỏe và xã hội.

Bà Kathryn Clemans - Cố vấn Cao cấp Diễn đàn Sáng kiến khoa học đời sống APEC

Tôi nghĩ đây là hội nghị thành công nhất từ trước đến nay, bởi vì chúng ta đã thảo luận rất nhiều nội dung mang tính chất sáng tạo và được hỗ trợ bởi một nhóm cán bộ rất tài năng của ngành y tế Việt Nam. Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế, lần đầu tiên chúng ta thảo luận sâu về tài chính y tế. Tài chính y tế là gì? Ảnh hưởng như thế nào đến ngân sách của nhà nước? Điều này có ý nghĩa gì với sức khỏe cộng đồng? Và những khía cạnh nào cần được đo lường để làm sao cho Chính phủ thấy được đầu tư vào y tế là đáng đầu tư?

Để y tế được ưu tiên đầu tư thích đáng, chúng ta cần có những công cụ đánh giá, đo lường lợi ích xã hội và kinh tế, cũng như đánh giá lợi ích kinh tế và năng suất lao động dựa trên nền tảng y tế hay bằng các mô hình kinh tế - y tế. Đồng thời chúng ta cũng đã xem xét các loại tác động xung quanh vấn đề y tế. Chẳng hạn như chúng ta bị bệnh, không chỉ là sử dụng nguồn lực y tế (bệnh viện, bác sĩ, thuốc men...) một cách hiệu quả, không đơn thuần chỉ là ảnh hưởng đến cá nhân người bệnh mà còn ảnh hưởng đến thành viên trong gia đình, tại nơi làm việc, cộng đồng, nhà máy...

Ông Thomas Price - Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ

Khoảng 30 năm trước, nhiều lãnh đạo của Vành đai Thái Bình Dương đã nhìn về tương lai và thấy rằng xu hướng tăng trưởng và thịnh vượng sẽ được xây dựng trên sự hợp tác chứ không phải xung đột giữa các nền kinh tế. Vì vậy, họ cùng nhau thành lập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Bằng cách cải thiện các mối quan hệ thương mại, thống nhất các quy định, đơn giản hóa thủ tục hải quan, và thúc đẩy dòng vốn tự do, APEC xúc tiến tăng trưởng và phát triển ở khu vực Thái Bình Dương. Từ năm 1989 đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người tăng 74% đối với người dân thuộc các nền kinh tế thành viên APEC, gia tăng gần 7 lần lượng hàng hóa được lưu thông, giao dịch trong toàn khu vực.

Khi nền kinh tế của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, nhu cầu hợp tác ở các lĩnh vực khác càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ. Bảo vệ khu vực APEC nói riêng và toàn cầu nói chung, chống lại dịch bệnh truyền nhiễm và thúc đẩy toàn cầu khỏe mạnh đã đóng một vai trò quan trọng. Từ đầu thế kỷ này, chúng ta đã chứng kiến nhiều dịch bệnh đe dọa trên toàn cầu: Ebola ở Tây Phi, SARS ở châu Á, Zika ở châu Mỹ, và MERS-CoV ở Trung Đông... Sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm có thể bắt đầu ở bất cứ đâu và vượt qua mọi rào cản biên giới. Vì vậy, những nỗ lực của chúng ta để phòng ngừa và chiến đấu chống lại chúng cũng phải vượt qua những ranh giới ấy.

Việc chuẩn bị đúng đắn chống lại những mối đe dọa này sẽ làm giảm số người chết, hạn chế số người bị tổn thương và ít gây tổn thất cho từng nền kinh tế. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ cùng nhiều tổ chức y tế thế giới và các quốc gia thực hiện Chương trình Hành động về An ninh Y tế toàn cầu. Chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam, đã đóng vai trò then chốt trong chương trình này. Điều này đã thể hiện qua khánh thành Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) khu vực phía Nam đặt tại Viện Pasteur TP.HCM ngày 23/8 - một hoạt động diễn ra bên lề SOM3 - APEC.

Cuộc họp Nhóm công tác y tế trong khuôn khổ APEC Việt Nam 2017.

EOC sẽ là trung tâm điều phối, đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, bao gồm các dịch bệnh nguy hiểm tái nổi hay mới nổi ảnh hưởng tới an sinh xã hội, sức khỏe người dân khu vực phía Nam. Trong hoạt động thường nhật, cán bộ EOC liên tục thu thập, theo dõi và phân tích dữ liệu giám sát, tiến hành điều tra dịch và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành y tế. Việc khánh thành và đưa EOC khu vực phía Nam vào vận hành đã phản ánh mối quan hệ sâu sắc giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ trong công tác giám sát, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và tăng cường an ninh y tế toàn cầu.

 

Chuyên gia cố vấn chính sách y tế Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam

Trưa ngày 23/8, bên lề SOM3 - APEC, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tiếp bà Michiyo Takagi, Thứ trưởng Bộ Y tế Lao động Phúc lợi Nhật Bản.

Từ tháng 3/2014, hai Bộ đã ký biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực y tế. Đến nay, Bộ Y tế Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục có những hợp tác cụ thể và đi vào chiều sâu trong lĩnh vực già hóa dân số, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. “Chúng tôi mong muốn tăng cường mô hình hợp tác song phương giữa các cơ sở y tế và trường đại học giữa Việt Nam và Nhật Bản. Mô hình này đang phát huy hiệu quả trong thời gian qua, ví dụ như: ĐH Y tế Quốc tế Phúc lợi Nhật Bản - BV Chợ Rẫy TP.HCM, BV Kitahara - BV Việt Đức, ĐH Nagasaki - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương...,” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đang tiếp nhận chuyên gia cố vấn chính sách y tế, BS. Ushio Mitsuhiro. Vị BS này sẽ là cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực già hóa dân số, bao phủ y tế toàn dân, ngoại giao y tế toàn cầu...

Cùng với hợp tác song phương, hy vọng Nhật Bản tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong các diễn đàn đa phương như ASEAN+3, APEC, WHO...

Nguồn: Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: