Điểm tin

APEC 2017 (SOM 3): Hợp tác hướng đến lợi ích thành viên, người dân và doanh nghiệp

05 tháng 09. 2017

APEC 2017 (SOM 3) đã khép lại với nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc các thành viên khẳng định sẽ tiếp tục đưa hợp tác gắn hơn đến những quan tâm và lợi ích thiết thực của từng nền kinh tế thành viên, từng cộng đồng người dân cũng như doanh nghiệp (DN).

Tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng

Chia sẻ với báo giới ngay sau buổi làm việc cuối của đợt hội nghị kéo dài suốt 13 ngày vào chiều tối hôm 30/8, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn - Chủ tịch APEC 2017 cho biết, đây là hội nghị quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan có quy mô lớn nhất năm 2017, với gần 80 hoạt động và khoảng 3.000 đại biểu; trong đó có nhiều bộ trưởng, thứ trưởng của nhiều thành viên APEC, đại diện các tổ chức quan sát viên của APEC, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng giới DN, học giả và truyền thông trong và ngoài nước.

Ngoài SOM 3, trong dịp này còn diễn ra nhiều hoạt động quan trọng như: Cuộc họp cao cấp về y tế và kinh tế với chủ đề “Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững”; Đối thoại phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; Đối thoại của các quan chức cao cấp APEC về RTAs/FTAs (các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do); Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại về An ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Thứ trưởng, đợt hội nghị diễn ra trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và khu vực khởi sắc hơn; dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ tiếp tục cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu (3,8% so với 3,5%). Tuy nhiên, gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế cũng như trong bản thân từng nền kinh tế, sự nổi lên của nhiều thách thức an ninh phi truyền thống (thiên tai, bệnh dịch, già hóa dân số, biến đổi khí hậu…) đã tiếp tục đặt ra nhu cầu APEC cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng và tăng cường hợp tác, liên kết đáp ứng thiết thực hơn nữa các quan tâm của người dân, DN.

“Với một bối cảnh như vậy, gần 80 hoạt động diễn ra trong 13 ngày đã luôn hướng tới mục tiêu này, đồng thời luôn đề cập đến những vấn đề hết sức gần gũi với người dân và DN. Đó là phát triển nguồn nhân lực, cải cách cơ cấu, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, chống tham nhũng, ứng phó thiên tai, cải thiện môi trường kinh doanh...” - Thứ trưởng nói.

Nhận định về những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, SOM 3 và các cuộc họp liên quan đã thành công tốt đẹp khi đại diện các thành viên tiếp tục khẳng định quyết tâm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực thông qua thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Bogor năm 2020; thông qua 3 văn bản định hướng trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành gồm: Khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới; Bộ kinh nghiệm điển hình về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và Khuôn khổ giám sát đối với Chương trình hành động Khung kết nối cung ứng (SCFAP II).Quan tâm tới từng thành viên, người dân và doanh nghiệp

Các thành viên đã nhất trí báo cáo các kết quả này cùng nhiều kết quả khác (Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững, Cuộc họp cao cấp về Y tế - Kinh tế, Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu…) lên các nhà lãnh đạo APEC.

“Nhìn chung, những kết quả đều đáp ứng thiết thực mối quan tâm của các nền kinh tế thành viên, các DN và người dân trong khu vực, đồng thời cũng đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm của phát triển” - Thứ trưởng nói. 

Trong nhóm các kết quả đạt được, đáng chú ý nhất chính là việc tổ chức Diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong APEC theo sáng kiến của Việt Nam, đã nhận được sự ủng hộ và tham gia rất tích cực của các thành viên cùng nhiều tổ chức quốc tế. Vấn đề phát triển bao trùm sau đó đã trở thành nội dung thảo luận xuyên suốt tại các ủy ban, nhóm công tác APEC lần này, trên cả 3 phương diện: Kinh tế, tài chính và xã hội.

Đây là lần đầu tiên APEC tổ chức một diễn đàn gắn kết được vấn đề phát triển bao trùm trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội. Cuộc họp đã đi đến nhận thức chung về sự cần thiết hình thành một Chương trình hành động APEC về phát triển bao trùm, trong đó có các tiêu chí cụ thể, các giải pháp liên ngành, các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và pháp lý liên quan thúc đẩy phát triển bao trùm…

“Trong bối cảnh còn có nhiều lo ngại về phân bổ không đồng đều các lợi ích của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, việc các thành viên khẳng định quyết tâm tiếp tục đưa hợp tác APEC mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể cho từng nền kinh tế, từng cộng đồng người dân cũng như DN là rất tích cực” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh./\

Nguồn: Thời báo Tài chính

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: