Điểm tin

Liệu ASEAN có thể thực sự lấy người dân làm trung tâm?

06 tháng 09. 2017

Báo “Jakarta Post” số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả Benny Teh Cheng Guan thuộc Đại học Sains, Malaysia với tựa đề: “Liệu ASEAN có thể thực sự lấy người dân làm trung tâm?”

ASEAN vừa tổ chức hàng loạt hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập. Hiện tại, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu chặng đường tiếp theo của tổ chức này sẽ diễn ra như thế nào, ASEAN có thể thực hiện được mục tiêu phát triển của mình, trong đó có việc lấy người dân làm trung tâm hay không.

Trong khi ngày càng có nhiều người hiểu rõ về sự tồn tại của ASEAN thì rất ít người hiểu nó là gì và thậm chí có thể xác định được sự liên quan của bản thân với tổ chức này. Điều này đặt ra câu hỏi về mục tiêu hướng đến của ASEAN nếu công dân của họ không đánh giá cao sự tồn tại của tổ chức.

Các nhà lãnh đạo ASEAN vào năm 2015 đã thông qua một bản tuyên bố để làm cho ASEAN trở thành một tổ chức hướng về người dân và lấy dân làm trung tâm. Tuyên bố này là một sự thừa nhận về những thiếu sót của tổ chức mặc dù đã đạt được những thành quả trong nhiều năm liên tục.

Một trong những thành tựu lớn nhất của ASEAN là khả năng xây dựng văn hoá đối thoại và tham vấn nhằm khuyến khích các nước thành viên trao đổi ý kiến và đối phó với những khác biệt, đồng thời xây dựng lòng tin với nhau. ASEAN vẫn có thể giữ vững định hướng và các vị thế ngoại giao cũng như kinh tế của mình - điều mà người dân nên đánh giá cao.

ASEAN là một tổ chức tập trung vào người dân không chỉ đơn thuần là giải thích cho mọi người hiểu về nội hàm người dân theo nghĩa rộng là gì. Cần phải mở ra những không gian mới để mọi người trải nghiệm ASEAN và tham gia vào quá trình này.

Một lĩnh vực mà ASEAN đã thể hiện là những nỗ lực trong việc quan tâm, đầu tư cho thanh thiếu niên với nhiều chương trình đã được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về ASEAN và cung cấp cho thanh niên những cơ hội đóng góp vào sự phát triển của tổ chức.

Sự bao dung là chìa khóa để tạo ra sự đánh giá cao đối với ASEAN. Việc hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi người có thể tham gia các chương trình chung này cũng là cách để tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu biết thêm về các mục tiêu cũng như chương trình mà ASEAN hướng tới.

Từ năm 2005, Diễn đàn Nhân dân ASEAN hoặc Hội nghị Xã hội Dân sự ASEAN (ACSC), đại diện cho các tổ chức xã hội dân sự trong các vấn đề như nhân quyền, phân biệt đối xử và bất bình đẳng, công lý, quy trình dân chủ và quản trị tốt đã không thể gắn kết ý nghĩa của ASEAN.

Tuyên bố năm 2016 cho biết: "Xã hội dân sự ASEAN vẫn rất quan tâm đến sự im lặng hiện tại của ASEAN và sự thiếu quan tâm cũng như phản hồi đối với các quan sát và khuyến nghị nêu trong Tuyên bố ACSC trước đây".

Nhiều người cũng đã chỉ trích một số cơ chế của ASEAN trong việc hỗ trợ quan điểm "lấy người dân làm trung tâm" bao gồm Hiến chương ASEAN và Uỷ ban Liên Chính phủ về Nhân quyền ASEAN (AICHR). 

Thử nghiệm của ASEAN về quyết tâm trong việc chuyển đổi chính mình thành một cơ quan lấy người dân làm trung tâm đại diện cho một cộng đồng gồm 625 triệu người có thể không chỉ được đo bằng số lượng trao đổi giữa người với người trên toàn khu vực hoặc làm thế nào để có được hàng hoá giá rẻ và dịch vụ từ việc giảm thuế, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Hơn nữa, quyết tâm thực hiện mục tiêu lấy người dân làm trung tâm phải được đo bằng khả năng lắng nghe một cách chăm chú và làm việc với các CSO để thực sự vượt qua được các mối đe dọa về an ninh con người như: di dân tự do, bắt cóc, ám sát, nạn tham nhũng, suy thoái môi trường, kỳ thị giới tính, tội phạm hình sự và nhiều vấn đề khác nữa.

Cách thức để nối kết là phát triển các không gian hẹp để tham vấn ở các mức độ khác nhau giữa các quan chức ASEAN và các phong trào xã hội dân sự. Sự gắn kết là điều vô cùng quan trọng để phát triển sự tin tưởng lẫn nhau và đưa những vấn đề tập trung vào con người./.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: