Thông tin liên quan

RCEP đứng trước bất đồng về thuế quan

13 tháng 09. 2017

Vòng đàm phán mới nhất về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa kết thúc tại thành phố Hyderabad, miền Nam Ấn Độ với một số tiến triển, song các bên vẫn chưa thể tiến tới một thỏa thuận.

Trở ngại lớn nhất là vấn đề thuế quan. Là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản, Australia và New Zealand hướng tới mức độ tự do hóa thị trường cao gần với mức mà TPP dự kiến đạt được. Mặt khác, những nước mới nổi như Ấn Độ lại vấp phải sự phản đối của các ngành công nghiệp trong nước về mức độ tự do hóa cao như vậy.

Nhật Bản đang thúc đẩy để đạt được tiến triển trong việc thiết lập luật lệ, nhưng các cuộc đàm phán về nội dung này đã không diễn ra suôn sẻ. Về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, TPP cho phép có 8 năm bảo hộ để phát triển dữ liệu dược phẩm. Nhật Bản đang yêu cầu có thời gian bảo hộ tương tự trong RCEP. Tuy nhiên, đa số dược phẩm được bán ở các nước mới nổi, trong đó có Ấn Độ, là các loại thuốc gốc (là thuốc tương đương với biệt dược gốc, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ). Những nước mới nổi lo ngại rằng thời gian bảo hộ dược phẩm lâu như vậy có thể khiến việc phát triển thuốc gốc chậm trễ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Do các điều khoản chỉ tập trung vào việc giảm thuế giữa các nước trong ASEAN và các nước láng giềng của khối, RCEP bị đánh giá là một thỏa thuận thương mại “chất lượng thấp". Nhật Bản và Australia muốn có một thỏa thuận thương mại "chất lượng cao" bao gồm cả các lĩnh vực như dịch vụ - đầu tư. Những quan điểm trái ngược trên đã dẫn tới một cuộc ganh đua giữa một bên là Nhật Bản, Australia và bên kia là Trung Quốc trong việc tạo ra một thỏa thuận có khả năng kiến tạo khuôn mẫu thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Ấn Độ có những mối quan tâm khác nhau đối với các nước tham gia RCEP. Để nhắm tới những cơ hội tăng cường thương mại dịch vụ tại các nước ASEAN, Ấn Độ có thể miễn cưỡng để cho các nhà sản xuất Trung Quốc có được những điều khoản nhập khẩu giống như các nước ASEAN áp dụng cho Trung Quốc.

RCEP là hiệp định thương mại tự do hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và 6 nước đối tác đã có FTA với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Về phương diện chính trị thì RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau. 

Nguồn: Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: