Điểm tin

Thuế nhập khẩu ô tô và hàng ngàn mặt hàng chuẩn bị về 0%

06 tháng 10. 2017

Thuế nhập khẩu ô tô và hàng ngàn mặt hàng khác sẽ cắt giảm về 0% khi 7 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương được thực hiện vào đầu năm sau, trong đó có Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN 2018-2022.

ộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo của 7 Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu nhằm thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Các hiệp định thương mại bắt đầu có hiệu lực vào năm 2018 và thuế suất của rất nhiều mặt hàng sẽ về 0% vào đầu năm sau.

Dự thảo của 7 Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu nhằm thực hiện các hiệp định thương mại mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) giai đoạn 2018-2023; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) giai đoạn 2018-2022; Hiệp định thành lập khu vực tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA) giai đoạn 2018-2022; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2018-2020; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) giai đoạn 2018-2022; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) giai đoạn 2018-2021 và đáng chú ý là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018-2022.

Để thực hiện các hiệp định thương mại này, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo về mức thuế ưu đãi cho hàng ngàn mặt hàng theo đúng lộ trình đã cam kết. 

Như vậy, vào đầu năm sau, thuế nhập khẩu của hàng ngàn mặt hàng sẽ cắt giảm về 0% trong đó, thuế nhập khẩu nhiều dòng ô tô được nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ hoàn toàn được cắt giảm.

Việc giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia trong khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ khiến cho thị trường ô tô thay đổi và người tiêu dùng có thể mua xe với mức giá rẻ hơn nhưng cũng mang đến không ít thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước. Kể từ đầu 2017, khi mức thuế giảm thêm theo lộ trình, nhiều nhà sản xuất đã có xu hướng dừng lắp ráp một số dòng xe có sản lượng thấp để chuyển sang nhập khẩu từ khu vực.

Xu hướng cho thấy làn sóng nhập xe từ ASEAN sẽ tăng lên nữa vào năm 2018 khi thuế nhập khẩu ô tô chính thức về 0%. Cũng trong một dự thảo báo cáo mới đây từ Bộ Tài chính cho thấy, ngân sách có thể thất thu khoảng 22.256 tỷ đồng trong 5 năm (từ 2018-2022) do tác động của việc giảm thuế suất ATIGA xuống 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN năm 2016 đạt 38.000 xe, trong đó tập trung chủ yếu vào các dòng xe bán tải (pick up) đạt khoảng 27.000 xe/năm, ô tô con chủ yếu là xe dưới 4 chỗ khoảng 7.600 xe/năm (dung tích xi-lanh dưới 1500cc, thương hiệu Suzuki, Mitsubisi, Toyota từ Thái Lan), ô tô tải nhẹ khoảng 3.500 xe/năm (trong đó xe tải dưới 5 tấn là 2.300 xe). Tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu năm 2016 so với năm 2015 của xe dưới 9 chỗ là 47% (về lượng) và 53% (về trị giá); xe tải dưới 5 tấn là 31% (về lượng) và 42% (về trị giá).

Từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu đối với xe con giảm từ 30% xuống 0%, xe tải nhẹ và xe pick up giảm từ mức 5% xuống 0% thì dự kiến tỷ lệ tăng trưởng NK đối với dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trên 40%/năm và dòng xe tải dưới 5 tấn (bao gồm cả xe pick up) là 30%.

Theo đó, số thu thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN dự kiến giảm hàng năm tương ứng như sau: xe dưới 9 chỗ giảm cho giai đoạn 2018 - 2022 là 13.069 tỷ đồng, xe tải dưới 5 tấn và xe pickup là 9.187 tỷ đồng. Tổng giai đoạn 2018-2022 cho cả 2 nhóm xe chở người dưới 9 chỗ và xe tải dưới 5 tấn (bao gồm cả xe pickup) là 22.256 tỷ đồng.

Như vậy, số thu thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc cũng sẽ giảm khoảng 22.256 tỷ đồng trong 5 năm (từ 2018-2022) do tác động của việc thực hiện cam kết trong Hiệp định ATIGA (thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm từ 30% và 5% xuống 0%).

Dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cũng đứng trước cơ hội lớn khi có thể mở rộng sản xuất để xuất khẩu xe sang khu vực nội khối ASEAN. Hiện tại, một số doanh nghiệp đang chuẩn bị tiềm lực và kế hoạch để mở rộng sản xuất như Thaco, Hyundai Thành Công và mới nhất là dự án sản xuất ô tô VINFAST của Vingroup. Tuy nhiên, Chính phủ hiện vẫn chưa có một quyết sách nào để ưu đãi cho ngành sản xuất ô tô trong nước bởi hiện tại doanh nghiệp nội chưa có lợi thế lắp ráp khi có rào cản bởi thuế nhập khẩu linh kiện khiến giá ô tô lắp ráp trong nước đắt hơn 20% so với ô tô nhập khẩu từ ASEAN tính từ mốc năm 2018.

Nguồn: ICT News

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: