Điểm tin

Thúc đẩy thương mại và đầu tư trong APEC

27 tháng 10. 2017

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là nơi khởi đầu của hơn một nửa hiệp định thương mại trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích nhất cho các nền kinh tế thành viên. Song sự trỗi dậy của bảo hộ thương mại, các biện pháp phi thuế quan đang gây nhiều rào cản đòi hỏi APEC phải có những động thái tích cực hơn.

Chất xúc tác của hàng loạt RTA/FTA

Tại buổi đối thoại về các hiệp định thương mại khu vực (RTA) và hiệp định thương mại tự do (FTA) diễn ra mới đây tại TP.HCM, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, hơn một nửa FTA trên thế giới bắt nguồn từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Trong 30 năm qua, các RTA/FTA trong APEC đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc so với các khu vực khác trên thế giới. Giao dịch thương mại về hàng hóa và dịch vụ tăng 6,7 lần, với tổng giá trị khoảng 20.000 tỷ USD vào năm 2015. Mức thuế quan trung bình giảm từ 17% vào năm 1989 xuống còn 5,6% năm 2014, nhờ việc củng cố quan hệ thương mại, đầu tư, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ của các thỏa thuận thương mại tự do song phương và khu vực.

Theo thống kê của Ban Thư ký APEC, tính đến năm 2016, hơn 150 RTA/FTA, trong đó có ít nhất một thành viên APEC, đã đi vào hiệu lực, gồm gần 60 RTA/FTA đã được ký kết và thực thi giữa các thành viên APEC với nhau.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều FTA thế hệ mới trong khu vực tập trung hơn vào các nội dung thương mại và đầu tư thế hệ mới, giải quyết hiệu quả các vấn đề sau biên giới và phi thuế quan. Nhờ tác động tích cực của các RTA/FTA, giao dịch thương mại nội khối APEC đã tăng ở mức 274%, từ 2.300 tỷ USD lên 6.300 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2016.

Việc hình thành RTA/FTA đã và đang có ý nghĩa rất lớn đối với các nền kinh tế thành viên của APEC, trong đó có Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất.

Đặc biệt, kể từ khi các FTA mà Việt Nam ký kết với các đối tác có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước “vươn xa” khắp thế giới một cách dễ dàng hơn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 98,37 tỷ USD; năm 2015 đã tăng 8% (tương đương 106,12 tỷ USD) và đến năm 2016 đạt trên 119,69 tỷ USD. 7 nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Malaysia và Singapore.

Tuy nhiên, khi thực hiện các cam kết về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ Diễn đàn đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ gặp phải không ít trở ngại từ áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ phía các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài APEC, khi phải mở cửa thị trường và xóa bỏ dần các quy định bảo hộ đối với doanh nghiệp nội địa.

Ngăn chủ nghĩa bảo hộ thương mại

Mặc dù các RTA/FTA đã và đang mang lại nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các nền kinh tế thành viên APEC, song đang dấy lên các lo ngại về sự trỗi dậy của bảo hộ thương mại, các biện pháp phi thuế quan. Điều này khiến những nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường bị chậm lại. Đây là thách thức lớn mà Việt Nam và một số nền kinh tế thành viên APEC đang phải đối mặt.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, APEC bắt đầu thảo luận về việc định hình viễn cảnh APEC sau năm 2020, tức là sau khi Mục tiêu Bogor (đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu thế giới) được hoàn thành.

Hiện chưa rõ nội hàm của viễn cảnh sau 2020. Nhưng theo các chuyên gia APEC, định hướng phát triển sau 2020 của APEC vẫn cần tập trung vào giải quyết các rào cản với thương mại và đầu tư trong khu vực, bởi rất khó định lượng liệu năm 2020, APEC có hoàn thành Mục tiêu Bogor không?

Trong bối cảnh hiện nay, sự trỗi dậy những hoài nghi về các lợi ích mà toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại mang lại cho người dân đang tạo điều kiện cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại bùng phát. “Sau năm 2020, APEC vẫn còn nhiều việc phải thực thi, nhằm đảm bảo các nền kinh tế thành viên sẽ tiếp tục các cam kết về mở cửa thị trường cho dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bên cạnh việc xây dựng các chương trình làm việc để giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực, Việt Nam đang cùng các thành viên APEC thúc đẩy một số sáng kiến liên quan đến tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, nhằm đảm bảo các chủ thể và các nhóm khác nhau trong nền kinh tế được hưởng lợi từ tiến trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Việt Nam cũng chủ trì thúc đẩy các sáng kiến về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), APEC 2017 sẽ ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ có cơ hội tiếp cận, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng, với hàng loạt RTA/FTA, dòng chảy thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC sẽ ngày càng mạnh hơn.

APEC hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 
18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và đa phương của Việt Nam. 
Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 
Khoảng 80% số du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.

Nguồn: Báo Đầu tư

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: