Điểm tin

APEC: Hành trình 3 thập niên

01 tháng 11. 2017

Tuy APEC chỉ là một diễn đàn, song với sứ mệnh đề ra: “Hậu thuẫn tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng bền vững”, các kỳ hội nghị đã luôn bám sát các vấn đề của khu vực hầu đề ra những chính sách thích hợp.

Ý tưởng thành lập APEC được khơi ra lần đầu tiên bởi cựu thủ tướng Úc Bob Hawke trong một diễn văn đọc tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 31-1-1989.

Ý tưởng này được đáp ứng nhanh chóng: chỉ 10 tháng sau, 12 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương gặp nhau tại thủ đô Canberra của Úc để thành lập APEC. Các thành viên sáng lập là Úc, Brunei, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Hoa Kỳ.

Hai năm sau (1991), “bộ ba” Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc), tham gia. Tiếp đến là Mexico và Papua New Guinea (1993), rồi Chile (1994). Đến 1998, Peru, Nga và Việt Nam tham gia, nâng tổng số nền kinh tế thành viên lên 21.

Giai đoạn 1989-1992, APEC chỉ họp bán chính thức và ở cấp bộ trưởng. Đến 1993, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton thiết lập các cuộc gặp cấp cao hằng năm nhằm đem đến tầm nhìn chiến lược và phương hướng hợp tác trong khu vực kịp thời hơn.

Tuyên bố chung của thượng đỉnh APEC lần thứ nhất tại Seattle (Mỹ) tháng 11-1993 khẳng định sự nổi lên của APEC như một tiếng nói mới cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các vấn đề quốc tế.

Sứ mệnh của APEC

Hai tác giả Lorraine Cardenas và Arpaporn Buranakanits trong nghiên cứu “Vai trò của APEC trong việc hoàn thành sự hợp tác khu vực ở Đông Nam Á” đã nêu ra những lợi ích của APEC:

“Đa số các thành viên APEC là những nền kinh tế hướng đến xuất khẩu, nên một hệ thống thương mại miễn thuế cùng các rào cản phi thuế quan là một điều đáng mong muốn, để tạo ra sự tiếp cận dễ dàng với các thị trường nước ngoài.

Các thành viên APEC lo lắng vì sự nổi lên của các khối thương mại khu vực như NAFTA và EU... của xu hướng hướng nội và bảo hộ”.

Hội nghị năm 1994 diễn ra tại Bogor, một thành phố cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 60km về phía nam, đã đề ra mục tiêu chung là “thương mại và đầu tư tự do và cởi mở” trong khu vực - năm đó đã gồm 19 thành viên rồi.

Ý thức rằng đặc điểm của cấu trúc APEC là tính không đồng đều trong phát triển giữa các nền kinh tế thành viên, tuyên bố Bogor 1994 nêu rõ: “Chúng tôi, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, cùng nhau đến Bogor, Indonesia, ngày hôm nay để lập kế hoạch cho quá trình hợp tác kinh tế trong tương lai.

Năm ngoái, tại Blake Island ở Seattle (Mỹ), chúng tôi đã nhìn nhận rằng các nền kinh tế đa dạng của chúng tôi đang trở nên tùy thuộc lẫn nhau nhiều hơn, và đang hướng đến một cộng đồng chung”.

Nhìn nhận thứ nhất về sự “đa dạng” của các nền kinh tế trong APEC tức thừa nhận có sự khác biệt về đẳng cấp, trình độ cùng tốc độ phát triển, một thực tế phải quan tâm trong hoạch định chính sách, chớ không thể cào bằng.

Nhìn nhận thứ nhì về “sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng nhiều hơn” sẽ thiết lập nghị trình tương lai cho APEC trong hai thập niên tiếp theo. Thực tế bất đồng đẳng dẫn đến một thái độ ban đầu của các nước ASEAN cốt cán, vào thời điểm đó mới chỉ gồm 6 thành viên, được mô tả trong “International Business Management (Text and Cases)”:

“Đề xuất ban đầu không được các nước ASEAN thuận tình, các nước này muốn một khối kinh tế Đông Á (East Asian Caucus, EAC), loại trừ các nước không phải là châu Á như Mỹ, Canada, Úc và New Zealand”. Vào thời điểm đó, dự án EAC được cổ xúy mạnh ở ASEAN. Nhưng Nhật Bản và Mỹ đã phản bác kịch liệt ý tưởng này, và APEC được giữ nguyên.

Để làm an lòng các nước ASEAN, thông cáo chung Bogor 1994 nêu rõ trong điều 3: “Các nền kinh tế đã công nghiệp hóa ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tạo cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng hơn nữa về kinh tế và mức độ phát triển.

Đồng thời, các nền kinh tế đang phát triển sẽ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng cao với mục đích đạt được mức độ thịnh vượng mà các nền kinh tế mới trở thành công nghiệp hóa đang hưởng.

Cách tiếp cận này sẽ là mạch lạc và toàn diện, bao gồm ba trụ cột tăng trưởng bền vững, phát triển công bằng và ổn định quốc gia.

Việc thu hẹp khoảng cách trong các giai đoạn phát triển giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên và thúc đẩy việc đạt được tiến bộ kinh tế châu Á - Thái Bình Dương một cách toàn thể”.

Các lãnh đạo cũng đề ra thời hạn cho sự thu hẹp khoảng cách: “Chúng tôi đồng ý thông báo cam kết của chúng tôi nhằm hoàn thành mục tiêu về thương mại tự do và mở cửa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không muộn hơn năm 2020.

Tiến độ thực hiện sẽ tính đến mức độ khác nhau về phát triển kinh tế giữa các nền kinh tế APEC, với các nền kinh tế công nghiệp hóa đạt được mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư không muộn hơn năm 2010, và các nền kinh tế đang phát triển chậm nhất vào năm 2020”.

Thách thức thực tế của Việt Nam

Cam kết Bogor là từ năm 1994, Việt Nam tham gia APEC vào năm 1998 cùng với Nga và Peru, những nước vốn cũng không phải là dư dả gì vào thời điểm đó, đặc biệt là nước Nga vừa mới trải qua những biến động hỗn loạn hậu Liên Xô dưới thời tổng thống Boris Yeltsin đang kiệt quệ về kinh tế và công nợ ngập đầu. Việt Nam lúc bấy giờ cũng chỉ mới dò dẫm những bước tiếp theo của quá trình Đổi mới.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của thông cáo chung Bogor là “các nền kinh tế đang phát triển sẽ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng cao với mục đích đạt được mức độ thịnh vượng mà các nền kinh tế mới trở thành công nghiệp hóa đang hưởng”.

Thông cáo chung không nêu thời hạn cụ thể để trở thành nước công nghiệp mới do lẽ triển vọng hoàn thành mục tiêu tùy thuộc mỗi nền kinh tế. Với Việt Nam, mục tiêu này đã được xác nhận tại Đại hội Đảng XII đầu năm 2016.

Còn mục tiêu “thương mại tự do và mở cửa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không muộn hơn năm 2020. Tiến độ thực hiện... với các nền kinh tế đang phát triển chậm nhất vào năm 2020” đã gặp không ít trở ngại thời gian qua, nhưng vẫn có thể được hiện thực hóa đúng khung thời gian.

Khi tuyên bố Bogor được đưa ra, thế giới còn trong vòng đàm phán Uruguay, chưa thành hình Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam tham gia APEC vào năm 1998, đã hiểu thế nào là thương mại tự do và mở cửa, với việc sớm nộp đơn xin gia nhập WTO vào tháng 1-1995.

Từ đó đến nay, Việt Nam đã và đang mở cửa thương mại và đầu tư, nhất là sau khi chính thức gia nhập WTO ngày 11-1-2007.

Gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu tại “Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai” ở Hà Nội ngày 16-5-2017:

“Hướng tới năm 2020, việc đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu Bogor càng trở nên quan trọng trong bối cảnh sự hoài nghi về toàn cầu hóa và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn.

Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn”.

Thượng đỉnh APEC 2017

APEC năm nay sẽ quy tụ lần đầu tiên các “ông lớn” cũ: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và “ông lớn” mới - Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sự có mặt của ông Trump ở APEC gây nhiều chú ý bởi ông được xem là “ít hứng thú với các diễn đàn đa phương”, mượn cách nói của tờ The Strait Times (Singapore) số ra ngày 19-10.

Tại thượng đỉnh APEC Đà Nẵng trong hai ngày 11 và 12-11 tới, các “ông lớn” cả cũ và mới này sẽ cho thấy ý muốn của mỗi người như thế nào, chú trọng đến điểm gì, và cả “kỵ” điều gì, ai hòa hợp với ai, ai “ái ngại” ai, ai gặp ai. Đó là “mặt sau” của Diễn đàn APEC bên cạnh “mặt tiền” là Diễn đàn của các lãnh đạo APEC.

Việc ông Trump dự cả APEC Đà Nẵng rồi sau đó sang Philippines dự Thượng đỉnh Đông Á (EAS) với các nước ASEAN cùng một số nước châu Á khác (ASEAN+8) được The Strait Times đánh giá là “một sự trấn an với các nước châu Á rằng Mỹ sẽ tiếp tục giữ vững cấu trúc cam kết kinh tế, chính trị và an ninh của khu vực.

Những trông đợi càng lớn khi mà ông Trump, ngay sau khi nhậm chức, đã ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hàng loạt các động thái đó dễ hiểu khiến nhiều nước châu Á dè dặt và sẽ phải “cân đong” lại sức nặng của nước mình với ông chủ mới của Nhà Trắng.

Việc ông Trump, sau APEC sẽ ra Hà Nội, chính thức thăm Việt Nam, được loan báo tuần rồi hôm 16-10, cùng lúc với tin về chuyến công du châu Á cho thấy chính quyền mới của Mỹ đang tìm cách điều chỉnh và thích nghi hơn, để hòa hợp tuyên bố chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump với thực tế tình hình căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo thông cáo từ Nhà Trắng, ông Trump sẽ đọc một bài diễn văn “trình bày quan điểm của Hoa Kỳ với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, cũng như sẽ “nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực này trong việc thúc đẩy tiến bộ cho sự thịnh vượng kinh tế của Hoa Kỳ”.

Việc thăm viếng “kép” này cũng có thể được xem như là một “nhận thức” mới của ông Trump sau 9 tháng ở Nhà Trắng. Những chuyển biến nhận thức được hi vọng này là cần thiết trong bối cảnh các “ông lớn” khác cũng đang “nhấn ga” gắn bó với khu vực.

Việc ông Putin dự Thượng đỉnh APEC 2017 sau khi đã dự Thượng đỉnh APEC Peru 2016, song lại vắng mặt ở APEC Philippines 2015, cho thấy “ông lớn” này cũng đã có những nhận thức mới trong việc tiếp cận châu Á - Thái Bình Dương, mà bản thân Nga là một thành phần tự nhiên (năm 2012, ông Putin từng là “chủ xị” của Thượng đỉnh APEC Vladivostok).

Một không khí hào hứng mới trong cuộc chạy đua vừa cạnh tranh vừa hợp tác sẽ lộ diện rõ ràng hơn ở Đà Nẵng, Hà Nội và Manila trong những ngày tới. 

Chúng tôi thống nhất trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương năng động và hài hòa bằng cách tạo ưu tiên cho thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, cổ xúy và đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác về kinh tế và kỹ thuật, tăng cường an ninh con người và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. 

Các sáng kiến của chúng tôi biến các chính sách mục tiêu thành các kết quả cụ thể và các thỏa thuận thành những lợi ích hữu hình. (Sứ mệnh của APEC. Nguồn: apec.org).

Nguồn: tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: