Điểm tin

Đàm phán RCEP: đường còn dài

03 tháng 11. 2017

Các chuyên gia cho rằng nếu được hoàn tất và thông qua, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ trở thành thỏa thuận lớn nhất về thương mại và đầu tư được ký kết kể từ khi kết thúc Vòng đàm phán GATT ở Uruguay. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang đối mặt với nhiều thách thức sau 19 vòng đàm phán và nhiều lần lỗi hẹn, tương lai hoàn tất và thông qua RCEP còn rất xa vời.  

16 nước tham gia đàm phán RCEP đã kết thúc 19 vòng đàm phán vào cuối tháng 7/2017. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 5/2013, sau khi các nước thông qua và nhất trí về chủ trương định hướng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tháng 11/2012. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán RCEP dường như còn rất lâu mới hoàn tất. Hạn chót 2017 để hoàn tất các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ không được đảm bảo, lần lỗi hẹn thứ 3 kể từ năm 2015. Một trong những nguyên nhân là dù các nước tham gia đã hoàn tất đàm phán các chương về SME, chính sách cạnh tranh, hợp tác kinh tế và hợp tác kỹ thuật, nhưng một phần lớn hơn của thỏa thuận, bao gồm đàm phán về tiếp cận thị trường, vẫn chưa được hoàn tất. Một văn kiện hoàn chỉnh vẫn còn xa vời.

 Đối với mặt hàng có thương hiệu, các bên vẫn còn phải làm việc về vấn đề bảo hộ tài chính. Họ kỳ vọng sẽ áp đặt một con số trong khoảng 80 - 92% đối với tất cả loại hàng hóa. Hầu hết các nước tham gia đàm phán đang thúc đẩy một hệ thống giảm thuế quan. Tuy nhiên, Ấn Độ đã đề xuất xóa bỏ thuế quan đối với 80% hàng hóa sản xuất của nước này và đề nghị có sự linh hoạt bổ sung để tăng hoặc giảm sự nhân nhượng chung trong khoảng 8 điểm phần trăm. 

 Đối với vấn đề mua sắm chính phủ, được các bên nhất trí đưa vào một chương trong vòng đàm phán 19, có sự bất đồng trong những cam kết tự do hóa thị trường to lớn này. Một số nước, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, đang thúc đẩy việc tiếp cận thị trường và đối xử bình đẳng giữa các công ty trong nước và nước ngoài, trong khi các nước khác lại đang lo ngại và phản đối vấn đề này và chỉ đồng ý đối với việc trao đổi thông tin và tăng cường sự minh bạch giữa các nước thành viên.

Với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 1/2017, tầm quan trọng và quy mô đầy tính cạnh tranh của RCEP đã được nâng lên rõ rệt. Nếu được hoàn tất và thông qua, RCEP sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN, và hiện tại là lộ trình toàn diện nhất hướng đến mục tiêu của APEC là thành lập một Khu vực tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương.

Nguồn: Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: