Điểm tin

Hiệu ứng lớn của APEC với Việt Nam

20 tháng 11. 2017

Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC họp lần thứ 25 tại Đà Nẵng đã cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa để tạo động lực mới cho hợp tác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tăng cường liên kết kinh tế khu vực, phát huy mọi tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

Tuyên bố Đà Nẵng là một thắng lợi lớn của thương mại tự do, khi các nhà lãnh đạo APEC thể hiện sự ủng hộ tập thể mạnh mẽ đối với hệ thống thương mại đa phương cũng như việc kêu gọi thực hiện đầy đủ bộ quy tắc được đề ra bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tâm điểm chú ý của thế giới

Theo ghi nhận của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, APEC 2017 là dịp đưa quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nền kinh tế lớn vươn lên tầm cao mới. Đặc biệt phải kể đến thành công của bốn chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Chile và Canada.
Trong 10 năm qua, cũng theo đánh giá của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, có lẽ đây là lần thứ hai, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 có sự tham dự của hầu hết lãnh đạo cấp cao đến từ các nền kinh tế thành viên.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, với chủ đề "Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy", Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) cũng đã có hơn 2.000 đại biểu tham gia – đều thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với các nền kinh tế trong khu vực và mang theo hiệu ứng lan tỏa về môi trường kinh tế, môi trường đầu tư.

Thông qua việc đón tiếp các lãnh đạo quốc tế như Chủ tịch Tập Cận Bình, các Tổng thống Donald Trump, Putin và Thủ tướng Shinzo Abe, Việt Nam tìm thấy sức mạnh mới trong các mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện sâu rộng. Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với 16 nước, trong đó bao gồm tất cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo các nhà quan sát, với việc tổ chức thành công APEC 2017, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới trong tuần qua. Những kết quả đạt được trong kỳ APEC năm nay không chỉ thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam, mà còn cho thấy APEC vẫn tiếp tục là một diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, nơi khởi xướng và thúc đẩy hợp tác, kết nối cũng như hội tụ trí tuệ của khu vực và thế giới.

Thành công còn được thể hiện qua việc APEC 2017 thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tổ chức thành công APEC đã tạo thuận lợi rất lớn để Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, cũng như chứng tỏ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Thành quả an ninh và thương mại

Liên quan đến việc Việt Nam muốn Mỹ tiếp tục quan tâm đến thương mại tự do sau khi Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Donald Trump đã nói với Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng, ông mong muốn thương mại hai chiều "công bằng và đối ứng" mặc dù thâm hụt thương mại Mỹ và Việt Nam đang nghiêng về phía có lợi cho Việt Nam.

Việc thực hiện các cuộc hội đàm song phương dưới “chiếc ô” của APEC đã thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và kết nối chính trị giữa Việt Nam với các nước. Quan trọng hơn, là chủ nhà APEC, Việt Nam đã tận dụng cơ hội để dẫn dắt hành động đối với vấn đề thương mại bình đẳng đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

APEC 2017 đã mang tới cho Việt Nam cơ hội tái khẳng định chính sách ngoại giao đa phương, tức là thúc đẩy quan hệ cùng lúc với nhiều nền kinh tế khác nhau.

Về mặt hợp tác kinh tế, Việt Nam cũng đã ký 121 thỏa thuận với tổng trị giá hơn 20 tỷ USD. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, cuốn hút các doanh nghiêp và tạo sự phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam về APEC 2017.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ đã ký một loạt thỏa thuận thương mại lên tới 12 tỷ USD, bao gồm: Biên bản ghi nhớ có ràng buộc về Hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Pratt & Whitney PW1100G-JM trị giá khoảng 1,5 tỷ USD; Bản ghi nhớ về dự án Kho cảng khí đốt hóa lỏng tự nhiên Sơn Mỹ trị giá khoảng 1,3 tỷ USD; Bản ghi nhớ về Hợp tác cung cấp khí đốt hóa lỏng tự nhiên và Đầu tư thượng nguồn; Hợp đồng mua, hỗ trợ sản phẩm động cơ PW1100G-JM.

Đăng cai kỳ APEC lần này, Việt Nam vừa thúc đẩy thương mại tự do, vừa vạch lộ trình để APEC tiếp tục chứng tỏ là một diễn đàn đa phương đáng tin cậy. Giới phân tích cho rằng với việc Bộ trưởng các nước thành viên đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế cho TPP, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đầy khó khăn này.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: