Điểm tin

AEC và những vấn đề đặt ra trong hoạt động thương mại nội khối

20 tháng 11. 2017

Các nước thành viên trong khối Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), trong đó có Việt Nam, chưa tận dụng được những tiềm năng sẵn có để tăng cường liên kết về thương mại trong khối. Bài viết đánh giá thực trạng hợp tác của ASEAN thông qua hoạt động xuất nhập khẩu giữa các thành viên trong nội khối và với bên ngoài khối, đề xuất một số giải pháp thích hợp trong lộ trình hiện thực hóa AEC.

Tình hình thực hiện thương mại nội khối ASEAN

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong những trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN, được thiết kế nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong khối tiếp cận bốn yếu tố chính, gồm vốn, công nghệ, thị trường và lao động.

Hiện nay, ASEAN là một trong những tổ chức khu vực có nhiều hiệp định thương mại nhất và đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra không gian rộng lớn cho thương mại, đầu tư không chỉ trong khu vực Đông - Nam Á, mà còn cả khu vực Thái Bình Dương…

Quyết tâm rút ngắn thời gian 5 năm để xây dựng AEC vào năm 2015 thay vì 2020, các nhà lãnh đạo ASEAN hướng trọng tâm vào việc tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên; Thúc đẩy sự chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có tay nghề nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao mà với năng lực cạnh tranh này ASEAN có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù được xem là thị trường năng động, dân số đông, thu nhập đang tăng, tuy nhiên cho đến hết 2015, thương mại nội khối ASEAN chỉ đạt 24,1%. Điều này chứng tỏ các chương trình hợp tác của ASEAN chưa thực sự phát huy hiệu quả bởi các quốc gia thành viên vẫn hướng về các thị trường chủ lực như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc (Hình 1).

Dữ liệu trên cho thấy, quy mô thương mại của ASEAN nhìn chung qua các năm có tăng nhưng chủ yếu vẫn tập trung thị trường ngoài ASEAN mà không phải là nội khối. Điều này chứng tỏ sức hút và hấp dẫn từ thị trường bên trong chưa tạo thuyết phục cho các quốc gia thành viên.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế này bị tác động bởi nhiều nguyên nhân như: Thương mại toàn cầu giảm; những rào cản phi thuế quan, cơ cấu sản xuất và tiêu thụ giữa các quốc gia nội khối tương đồng nhau. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách vẫn chưa thật sự tạo cơ chế hữu hiệu nhằm thúc đẩy giao thương nội khối.

Đây là mấu chốt dẫn đến các quốc gia quyết tâm thiết lập cơ chế AEC vào cuối 2015. Trong quan hệ với các nước bên ngoài, vẫn tập trung chủ yếu vào các đối tác đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN.

Giá trị thương mại song phương giữa ASEAN với các đối tác chủ lực là Trung Quốc (12,9%), Nhật Bản (10,6%), EU (9,8%), Hoa Kỳ (8,1%), Hàn Quốc (5,3%), Australia (2,8%). Bên cạnh đó, khi thành lập AEC, các nước thành viên ngoài ý tưởng hướng vào hợp tác với nhau thì còn muốn thành lập một không gian sản xuất chung, từ đó tăng tính cạnh tranh toàn khối, thu hút đầu tư bên ngoài vào và xuất khẩu đi nước khác.

Điều này khiến cho không chỉ xuất khẩu của Việt Nam mà các quốc gia thành viên đối với nội khối đều giảm. Đó là chưa kể các nền kinh tế nội khối vẫn còn tồn tại nhiều sự chênh lệch về trình độ phát triển. Trong khi một số nước đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công sang lĩnh vực dịch vụ, một số nước còn lại vẫn còn đang phụ thuộc vào ngành sản xuất, trong đó có gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, tính bổ sung trong danh mục các mặt hàng thương mại nội khối không lớn như thị trường tại châu Âu…

Tình hình thương mại và đầu tư giữa các thành viên ASEAN còn khiêm tốn so với ASEAN và các đối tác bên ngoài. Số liệu đến ngày 31/12/2013 do Ban Thư ký ASEAN công bố cho thấy, tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu nội khối chỉ đạt 25,8% trong khi đó xuất khẩu với ngoại khối đạt tới 74,2%.

Bên cạnh đó, tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu nội khối chỉ đạt 22,7% trong khi đó xuất khẩu với ngoại khối đạt tới 77,3%. Bình quân tỷ trọng giá trị thương mại trong nội khối đạt 24,3%, ngoại khối đạt 75,7%. Tỷ lệ này thay đổi không nhiều trong hơn 10 năm qua chứng tỏ mức độ gắn kết giữa các nền kinh tế thành viên nội khối với nhau còn rất hạn chế. Thực trạng thương mại nội khối có thể nhìn rõ qua hoạt động xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên của AEC, cụ thể như sau:

Về xuất khẩu

Từ số liệu trên cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN nhìn chung chưa ổn định, có lúc tăng và có lúc giảm qua các năm. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN năm 2015 chiếm 13,95% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, so với các quốc gia khác trong khu vực (Myanmar 49,2%, Lào 47,6%, Singapore 31,4%) thì con số này vẫn còn rất thấp và chưa tương xứng với tiềm lực của Việt Nam.

Đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 18,064 tỷ USD, giảm 1,1% so với năm 2014 và chiếm 12,73 % so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, một năm sau khi gia nhập AEC, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước ASEAN còn có xu hướng giảm, với năm 2016 đạt gần 17,45 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2015 (Tổng cục Hải quan, 2017).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm trong 3 năm liên tiếp (2014-2016), xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN sụt giảm đáng kể, lần lượt là 9,27 tỷ USD - 9,26 tỷ USD - 8,08 tỷ USD. Trong đó, nông sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất, từ 1,609 tỷ USD năm 2015 còn 1,151 tỷ USD năm 2016.

Hiện nay, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN khá đa dạng, trong đó đang nổi lên các mặt hàng có giá trị gia tăng (GTGT) cao hơn, chế biến sâu hơn như nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Việt Nam đang trong quá trình thay đổi GTGT cho xuất khẩu bằng cách thay đổi cơ cấu ngành hàng, chú trọng vào xuất khẩu mặt hàng có GTGT và lợi thế so sánh như: Thủy sản chế biến, hàng điện tử và sản phẩm cơ khí, linh kiện điện thoại. Đây là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu sang thị trường ASEAN.

Như vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, hải sản và khoáng sản thô. Những mặt hàng này tuy hầu hết đều được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi CEPT/ATIGA tại các nước nhập khẩu nhưng do có giá trị thấp, giá cả phụ thuộc vào biến động trên thế giới nên kim ngạch xuất khẩu không ổn định.

Về nhập khẩu

ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là động lực giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu trong nhiều năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa xuất xứ ASEAN năm 2016 đạt 24,04 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 7,2 lần so với năm 1996.

Ước tính mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ ASEAN đạt tốc tộ tăng 10,4%. Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 về kim ngạch xuất nhập khẩu sang ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Cán cân thương mại hai chiều

Do nhập khẩu có quy mô luôn lớn hơn xuất khẩu nên trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khu vực ASEAN, Việt Nam đã liên tục ở vị thế nhập siêu. Nhập siêu từ khu vực này ở mức khá cao, năm 2011 đã lên đến trên 7,327 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2015, do xuất khẩu sang thị trường này thấp hơn nhập khẩu nên nhập siêu đạt 5,764 tỷ USD, tăng so với mức nhập siêu của năm trước 1,487 tỷ USD. Nhìn chung, trong 10 năm qua, Việt Nam luôn nhập siêu trong buôn bán với các nước thành viên ASEAN.

Tuy nhiên, do tốc độ tăng xuất khẩu sang ASEAN cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu từ thị trường này nên trong những năm gần đây mức thâm hụt ngày càng thu hẹp lại và tỷ lệ nhập siêu từ ASEAN giảm dần. Cụ thể, năm 2005, mức thâm hụt đạt 3,9 tỷ USD, tăng 1,62% so với năm 2004.

Đến năm 2010 mức thâm hụt là 6,057 tỷ USD, tăng 20,84% so với năm 2009 và năm 2015 mức thâm hụt đạt 5,764 tỷ USD. Với mức thâm hụt này so với năm 2014 đã tăng 35%. Trong khi đó, báo cáo mới đây về “Thương mại hàng hóa Việt Nam - ASEAN sau hơn 20 năm Việt Nam gia nhập” của Tổng cục Hải quan cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa luôn nghiêng về thâm hụt với các nước ASEAN và trong suốt 20 năm gia nhập, Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với khối này. Năm 1996, thời điểm gia nhập ASEAN Việt Nam thâm hụt với khối này là 745 triệu USD, thì đến năm 2016 thâm hụt 6,59 tỷ USD.

Một số vấn đề đặt ra    

Khi AEC được hình thành đồng nghĩa với việc các nước thành viên thực hiện cam kết một thị trường chung, không còn rào cản hàng hóa và thực hiện mức thuế suất ưu đãi hàng hóa là như nhau. Khi đó, để cạnh tranh được thì sản phẩm của các nước thành viên và Việt Nam phải có chất lượng cao và giá thành hợp lý.

Hiện nay, công nghệ sản xuất sản phẩm của các DN Việt Nam còn lạc hậu, thua kém hẳn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng truyền thống là dầu thô, gạo và một số mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su với công nghệ sản xuất thô sơ, lạc hậu thì các sản phẩm của các DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu của các nước trong khu vực.

Ngoài ra, các sản phẩm có chất lượng cao từ các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand sẽ có nhiều thuận lợi thâm nhập vào thị trường ASEAN khi cam kết tự do hóa thương mại được thực hiện. Điều này sẽ gây khó khăn cho các sản phẩm của Việt Nam trong quan hệ 2 thương mại hai chiều (xuất và nhập) từ thị trường nội địa và cả ASEAN/AEC.

Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch giữa các quốc gia thành viên ASEAN- 6. Mặc dù, tiềm năng hợp tác mang lại nhiều lợi ích cho ASEAN nói chung và các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng, tuy nhiên nếu không có những biện pháp thiết thực thì đây chính là rào cản lớn nhất để hợp nhất các thành viên thành AEC. Bài học của Liên minh châu Âu cho thấy tham vọng liên kết ở mức độ cao nhất trong khi tiềm lực kinh tế các nước rất khác biệt, hậu quả là việc vỡ nợ hàng hoạt, giải cứu nợ, của những mâu thuẫn nội khối và nguy cơ lung lay đồng tiền chung.

Do vậy, các nhà lãnh đạo ASEAN cần phải xác định rõ mục tiêu thành lập AEC, đó là nhằm tạo thành một khối nhằm tăng sức cạnh tranh cho các nền kinh tế riêng lẻ và qua đó tạo sự hấp dẫn cho tổ chức ASEAN trong thương mại và thu hút FDI với các đối tác bên ngoài (kể cả ASEAN+) và hội nhập toàn cầu; Tạo nền tảng pháp lý vững chắc để tăng cường thương mại và đầu tư giữa các thành viên ASEAN.

Trong giai đoạn đầu của AEC (2016-2020), cần vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu, điều chỉnh luật lệ, cơ cấu kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và đồng thời chú trọng nâng cao sức cạnh tranh ở cả tầm vĩ mô (quốc gia) và tầm vi mô (DN, sản phẩm) thì chắc chắc AEC sẽ sớm đạt mục tiêu thứ hai.

Do vậy, với những cam kết rõ ràng và thiết lập một ban kiểm soát đánh giá việc thực hiện các cam kết như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) theo lộ trình hợp lý thì chắc chắn việc thành lập AEC là giải pháp ưu việt để đẩy mạnh và hợp tác trong khu vực kinh tế năng động và nhiều tiềm năng như ASEAN.

Điều này đặt ra cho các quốc gia trong khu vực những việc cần triển khai, gồm: (i) Lựa chọn mô hình phù hợp với luật chơi của AEC và nền kinh tế toàn cầu; (ii) Xác định lợi thế trong phân công kinh tế và trong mạng lưới sản xuất khu vực (chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị); (iii) Xây dựng biện pháp kinh tế và chính sách cải cách nào để đạt được lợi thế trong AEC giai đoạn tới.

Những chuyển biến của thế giới khi bước vào thế kỷ XXI đã đặt ra cho ASEAN những thách thức to lớn, trong đó sức hấp dẫn của ASEAN ngày càng gặp phải sự cạnh tranh của các tổ chức và khu vực khác.

Cơ chế hợp tác linh hoạt và mềm dẻo tạo nên sự thành công cho các nước ASEAN suốt hơn 4 thập kỷ qua thực sự chịu những thách thức to lớn khi nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập đòi hỏi ASEAN phải hợp tác, liên kết gắn bó với nhau chặt chẽ hơn bằng một cơ chế giám sát việc thực hiện và tuân thủ của các nước thành viên (như WTO).

Thông qua những bậc thang liên kết hội nhập khu vực điển hình của EU là những kinh nghiệm quan trọng nhằm tạo cho những nước thành viên ASEAN có thể cùng nhau xây dựng mô hình thể chế phù hợp với sự sự chênh lệch về kinh tế, dân số, diện tích của các nước thành viên.

Với khó khăn về khoảng cách về trình độ phát triển trong nội bộ ASEAN, giữa ASEAN với nhiều nước và tổ chức khu vực khác trong bối cảnh thế giới vẫn trong bối cảnh phức tạp, tiềm ẩn nhiều thách thức bất ngờ là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Với kỳ vọng vào bước tiến mới trong hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, việc triển khai AEC có mang lại những kết quả như mong đợi của các nhà lãnh đạo ASEAN hay không phụ thuộc phần lớn vào “kiểu chơi” của các nước thành viên ASEAN.

Điều này đồng nghĩa với việc các nước ASEAN buộc phải chủ động tính toán nhằm thay đổi cách nhận thức và kịp đưa ra những hành động quyết liệt, đồng thuận cao trong bối cảnh mới để hiện thực hóa AEC. 

Nguồn: Tạp chí Tài chính

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: