Điểm tin

“Chính sách phương Nam mới” của Hàn Quốc

22 tháng 11. 2017

Tuyên bố “chính sách phương Nam mới” thúc đẩy hợp tác kinh tế Hàn-ASEAN

Ngày 15/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã trở về nước, kết thúc chuyến công du kéo dài tám ngày tới ba nước Đông Nam Á là Indonesia, Việt Nam và Philipines. Trong chuyến công du này, hôm 9/11, Tổng thống Moon Jae-in đã công bố "chính sách phương Nam mới". Theo đó, Hàn Quốc sẽ tăng cường giao lưu, hợp tác với ASEAN, nâng tầm mối quan hệ lên tương đương với bốn cường quốc là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin sẽ phân tích triển vọng kinh tế từ mối quan hệ hợp tác Hàn-ASEAN trong giai đoạn mới. Trước hết, ông Chung Cheol-jin giải thích về “chính sách phương Nam mới”. 

Về tổng quan, Chính phủ Hàn Quốc đang theo đuổi hai chính sách kinh tế: “chính sách phương Bắc mới” và “chính sách phương Nam mới”. Một mặt, Seoul từng đề xuất “chính sách phương Bắc mới” nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với vùng Viễn Đông của Nga, ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, Trung Á và Mông Cổ. Mặt khác, Seoul sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á (ASEAN) nhằm tìm kiếm cơ hội mới ở khu vực phía Nam. Cụ thể, ý tưởng cơ bản của “chính sách phương Nam mới” là tạo dựng một cộng đồng hòa bình, đặt trọng tâm vào con người và ủng hộ sự thịnh vượng chung. Đây là một chính sách khá tương đồng với chính sách kinh tế nội địa để tạo ra một “nền kinh tế đặt trọng tâm vào con người” mà Tổng thống Moon Jae-in đang theo đuổi. 

ASEAN – Thị trường đầy tiềm năng với hơn 600 triệu người

Cùng với “chính sách phương Bắc mới” được công bố vào tháng 9, “chính sách phương Nam mới” thể hiện nỗ lực của Hàn Quốc nhằm mở rộng lãnh thổ kinh tế. Cụ thể, Seoul đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương Hàn-ASEAN lên 200 tỷ USD trong vòng năm năm tới, tương đương kim ngạch thương mại Hàn-Trung hiện nay. Chuyên gia Chung Chul-jin phân tích tiếp. 

Với dân số 620 triệu người, đứng thứ ba thế giới, ASEAN là một thị trường hấp dẫn. Hơn nữa, đây là khu vực có dân số trẻ với số dân trong độ tuổi lao động chiếm hơn 40%. Hiện nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN lên tới 2.600 tỷ USD, xếp thứ sáu thế giới, và nền kinh tế khu vực đang phát triển rất nhanh. Trong vòng 40, 50 năm qua, GDP của khu vực tăng gần 100 lần, so với mức GDP 37,6 tỷ USD trong những năm 1970. Do đó, tăng cường hợp tác với khu vực giàu tiềm năng này sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho cả Hàn Quốc và ASEAN.

Thị trường ASEAN bùng nổ, trở thành đối tác thương mại thứ hai của Hàn Quốc

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 5%, ASEAN sẽ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Đặc biệt, với tỷ lệ dân số trẻ cao cùng tầng lớp lao động, trung lưu phát triển nhanh chóng, ASEAN nổi lên như một thị trường tiêu dùng và cơ sở sản xuất giàu tiềm năng. Hàn Quốc đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ASEAN kể từ khi ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2007. Ông Chung Cheol-jin cho biết.

Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại song phương Hàn-ASEAN đã đạt 120 tỷ USD, chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc. Hiện nay, ASEAN đang là đối tác thương mại thứ hai của Seoul sau Trung Quốc. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang khu vực này tăng trưởng 7,5% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng 4,2% sang thị trường Mỹ và 4% sang Trung Quốc. Đặc biệt, thặng dư thương mại của Hàn Quốc với ASEAN tăng trưởng hàng năm. Do đó, nếu tiến vào thị trường ASEAN một cách mạnh mẽ hơn thông qua “chính sách phương Nam mới”, Hàn Quốc có thể tìm ra một thị trường thay thế cho Trung Quốc. 

Chiến lược của Hàn Quốc trong việc tiếp cận thị trường ASEAN

Từ mức 61,81 tỷ USD năm 2007, kim ngạch thương mại Hàn-ASEAN đã tăng lên 118,8 tỷ USD vào năm 2016, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 6,8%. Năm 2016, xuất khẩu của Hàn Quốc sang ASEAN chiếm tới 15% thị phần xuất khẩu của Hàn Quốc, tăng vọt so với con số 9,9% trong năm 2006, trong khi nhập khẩu của Hàn Quốc từ ASEAN cũng tăng 3,3%. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã và đang hướng sự tập trung vào khu vực này do giá nhân công thấp, nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh, và cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp. Hiện nay, Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh quyết liệt để giành được các đơn đặt hàng trong thị trường cơ sở hạ tầng khu vực. Cụ thể, Bắc Kinh có kế hoạch chi tới 1.000 tỷ USD quỹ chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng ở ASEAN, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào thị trường này. Trong khi đó, Nhật Bản đã đổ rất nhiều tiền của vào ASEAN kể từ khi đưa ra học thuyết Fukuda vào những năm 1970. Học thuyết Fukuda ra đời khi Thủ tướng Nhật Takeo Fukuda thăm các nước ASEAN và công bố chính sách của Nhật đối với các nước Đông Nam Á. Chẳng hạn, nước này đầu tư hơn 1 tỷ USD dưới hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Trong khi đó, ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam hiện nay đang ở mức 200 triệu USD, chỉ bằng một phần năm của Nhật Bản. Ông Chung Cheol-jin nhận định.

Trong giai đoạn đầu, Hàn Quốc có thể sẽ phải sử dụng các biện pháp tương tự như của Nhật Bản và Trung Quốc. Theo đó, Hàn Quốc có thể cho vay vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án phát triển chung và chia sẻ lợi nhuận sau đó. Tuy nhiên, khác với Bắc Kinh và Tokyo, Seoul có thể chuyển giao công nghệ liên quan cho ASEAN nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau. Một minh chứng cụ thể là trường hợp của các nước châu Phi, nhiều người dân địa phương đã có thể sử dụng điện thoại thông minh, mặc dù họ không có điện thoại bàn. Ví dụ này cho thấy một số giai đoạn trong chu trình phát triển là có thể bỏ qua, và ASEAN có thể trực tiếp tiến vào kỷ nguyên số. Trong khi đó, Hàn Quốc hiện đang có lợi thế đáng kể trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thiết bị thông minh cũng như dịch vụ, và có thể tập trung vào lĩnh vực này. 

Trong khi giới thiệu “chính sách phương Nam mới”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đưa ra một thuật ngữ mới mang tên “cộng đồng 3P” như một khẩu hiệu cho sự hợp tác kinh tế Hàn-ASEAN. 3P được ghép từ 3 chữ cái đầu của con người (People), hòa bình (Peace), và thịnh vượng (Prosperity). Không dừng ở sự hợp tác kinh tế, tầm nhìn mới này hướng tới một cộng đồng nơi các quốc gia cùng nhau phát triển. Hàn Quốc cần tạo ra sự đồng thuận rộng rãi với ASEAN để hiện thực hóa sáng kiến tốt đẹp này.

Nguồn: KBS World Radio

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: