Điểm tin

'Cấp cứu' ngành mía đường

02 tháng 02. 2018

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Bộ Công thương vừa trình Chính phủ công văn đề nghị lùi thời điểm áp dụng chính sách thuế 5% nhập khẩu với mặt hàng đường đến hết năm 2019.

Bất lợi đủ đường!

Số liệu thống kê của VSSA cho thấy, cả nước hiện có 41 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế 150.000 tấn mía/ngày, sản lượng 1,2 - 1,5 triệu tấn đường/năm. Trong 41 nhà máy, chiếm trên 50% công suất dưới 3.000 tấn mía mỗi ngày với dây chuyền, máy móc lạc hậu, cũ kỹ. Nhưng theo tính toán của các chuyên gia, để hoạt động hiệu quả, công suất nhà máy đường phải đạt 6.000 tấn mía mỗi ngày trở lên.

Quay lại câu chuyện ATIGA, nếu Chính phủ thực hiện chính sách thuế nhập khẩu về 5% theo cam kết theo đúng lộ trình cam kết, chuyện gì sẽ xảy ra? Theo dự đoán của chuyên gia, có 3 kịch bản xảy ra: Đầu tiên, một số doanh nghiệp mía đường nhỏ nằm trong số 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn phải dừng hoạt động vì không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu; Thứ hai, lượng lớn nhà máy buộc phải chọn giải pháp nhập đường thô về tinh luyện thay vì thu mua mía của dân; Cuối cùng, sẽ vẫn còn những doanh nghiệp đủ lớn, đủ tiềm lực, công nghệ, nhân lực để tiếp tục duy trì sản xuất, song số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Kịch bản được các chuyên gia dự đoán ở trên hoàn toàn có cơ sở. Nói không đâu xa, ngay trong khối ASEAN hiện có nhiều nước như có ngành mía đường phát triển hơn hẳn chúng ta từ khâu giống, cơ giới, công nghệ chế biến đến giá thành sản phẩm. Điển hình là Thái Lan, bạn không chỉ là cường quốc về mía đường trong khu vực mà con trên thế giới (chỉ sau Brazil), với sản lượng trên 11 triệu tấn đường/năm, hơn Việt Nam tới 10 lần.

Để hình dung ngành mía đường Thái Lan mạnh đến mức nào, nhìn lại thực trạng thê thảm ngành đường trong nước từ nửa cuối năm 2017 đến đầu 2018 sẽ thấy rõ. Mặc dù hiện chính sách giảm thuế nhập khẩu mặt hàng đường về 5% theo ATIGA vẫn chưa có hướng dẫn chính thức từ Chính phủ, song bao nhiêu năm qua đường lậu Thái Lan tràn vào Việt Nam cũng đủ khiến ngành đường trong nước lao đao, có thời điểm hàng tồn kho lên tới 700.000 tấn và hiện vẫn còn tồn trên 200.000 tấn mặc dù niên vụ đường mới đã diễn ra được hơn 2 tháng.

Không chỉ cạnh tranh trực tiếp thị trường trong nước, đường Thái Lan còn chiếm luôn cả thị phần đường xuất tiểu ngạch từ Việt Nam qua Trung Quốc thông qua hình thức tạm nhập tái xuất. Kể từ lúc Việt Nam cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường qua các cửa khẩu tại Lào Cai năm 2015, trong hai năm 2016, 2017 chúng ta gần như không xuất được tấn đường nào sang nước bạn, trong khi các năm trước đều duy trì được vài chục cho đến vài trăm nghìn tấn. Do đó, nếu đường Thái Lan đường đường chính chính vào Việt Nam với thuế suất 5%, chắc chắn ngành đường trong nước sẽ phải chịu trận “sóng thần”.

Chỉ còn trông vào tái cơ cấu

Trong tâm trạng lo lắng, Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh cho biết, bình thường giờ này những năm trước khách hàng lớn của nhà máy đường đã ký hợp đồng sản lượng cho cả năm. Năm nay do ATIGA có hiệu lực nên thị trường đường đang ở giai đoạn vừa mua nhỏ giọt vừa nghe ngóng. Bản thân một số nhà máy ép mía buộc phải lấy lí do “kỹ thuật” để tạm dừng sản xuất bởi càng chạy máy càng lỗ. Chính bởi tình cảnh tranh tối tranh sáng nên rất nhiều vùng nguyên liệu mía bà con nông dân mất ăn mất ngủ vì mía trổ cờ, chết khô ngoài ruộng mà chưa được nhà máy cân mua, có nguy cơ mất tết.

Theo VSSA, định hướng tái cơ cấu ngành đường, đầu tiên phải đưa giá mía nguyên liệu đầu vào xuống thấp nhất. Thấp ở đây không phải mua của nông dân với giá rẻ mạt mà hạ giá thành mía nguyên liệu thông qua nâng cao năng suất, nâng cao chữ đường, nâng cao hiệu quả và chi phí sản xuất. Để giải quyết bài toán này, cần đẩy mạnh cải tiến khâu giống, kế hoạch thu mua, cơ giới hóa trong sản xuất.

Được biết, VSSA đã đề xuất Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT) và Liên minh HTX Việt Nam cho thành lập 100 HTX kiểu mới đến 2020 nhằm cơ giới hóa đồng bộ ngành mía đường và bắt đầu thí điểm mô hình với mía đường Thành Thành Công, Lam Sơn và Sơn La.

Bên cạnh đó, VSSA cũng đã xây dựng đề án giống 3 cấp gửi Bộ NN-PTNT với tham vọng đến năm 2020 phấn đấu năng suất mía bình quân cả nước đạt 70 tấn/ha và chữ đường trên 10 CCS. Trước mắt, VSSA phối hợp với các nhà máy, hình thành nên các trung tâm giống vùng để từng bước loại bỏ việc bà con nông dân tự để giống như hiện nay.

Đặc biệt, từ 1/1/2018 Chính phủ bắt đầu xóa bỏ xăng Ron A92 để thay thế bằng xăng sinh học E5, đây là thời cơ vàng cho ngành mía đường để thay đổi cơ cấu sản phẩm. Thực tế, các cường quốc đường trên thế giới đều duy trì cơ cấu “bình thông nhau” giữa đường và cồn etanol là 50:50. Nếu giá đường tốt sẽ ưu tiên sản xuất đường và ngược lại, nếu giá etanol tốt sẽ chuyển sang sản xuất cồn.

Ngoài ra, ngành mía đường nên đa dạng hóa các sản phảm từ đường như: Sản xuất điện từ bã mía; Sản xuất phân bón từ phế phẩm luyện đường; Sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, nước đóng chai… theo mô hình Thành Thành Công và Đường Quảng Ngãi đang phát triển hiện nay. Nói tóm lại, ngành mía đường phải tái cơ cấu theo hướng làm sao để sản phẩm giá trị thu được ngoài đường chiếm gấp đôi, gấp ba giá trị sản xuất đường mới có thể phát triển bền vững.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: