Điểm tin

Việt Nam tham gia AEC: “Luật chơi” thay đổi ra sao từ năm 2018?

09 tháng 02. 2018

Là những thành viên cuối cùng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cả bốn quốc gia ban đầu được miễn tuân thủ các điều kiện cắt giảm thuế khi khối AEC được thành lập vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, kể từ ngày 1.1.2018, họ sẽ là những thành viên đầy đủ của cộng đồng – và sẽ phải tuân thủ tất cả các quy định của khối. 

Hiện tại, AEC dự kiến sẽ theo đuổi hội nhập kinh tế sâu hơn bằng cách giảm các rào cản phi thuế quan và nới lỏng các quy định về đầu tư. Với cả 4 quốc gia trên, quá trình chuyển đổi tạo ra cả sự phấn khích lẫn lo ngại cho các quan chức chính phủ, các nhà quản lý doanh nghiệp và người lao động tại các nước.

Luật chơi dành cho 4 nước thay đổi những gì?

Trong AEC, 10 nước thành viên ASEAN đã đồng ý hủy bỏ tất cả mọi loại thuế quan, ngăn trở các mặt hàng nhạy cảm như gạo. Khi AEC chính thức được thành lập cách đây hai năm, sáu quốc gia ASEAN đầu tiên - Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Brunei - ngay lập tức phải tuân thủ quy định này.

Cả 4 quốc gia cuối cùng của ASEAN vẫn được phép duy trì thuế quan đối với những mặt hàng ít nhạy cảm hơn cho đến tháng 1 2018. Tuy nhiên, vào cuối năm 2015, cả 4 nước đã bãi bỏ thuế quan của 91% các mặt hàng, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết. Đối với mặt hàng được hoàn bãi bỏ thuế, phần lớn thuế suất là từ 5% trở xuống. Vì thế, khi AEC chính thức có đầy đủ hiệu lực tại 4 quốc gia, giá cả các mặt hàng sẽ khó giảm mạnh. Tuy nhiên, giá ô tô ở Việt Nam là một ngoại lệ. Ông Koji Sako, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện Nghiên cứu Mizuho cho biết: “Dù ảnh hưởng của quy định thuế quan AEC lên các mặt hàng khác sẽ là giới hạn, thị trường ô tô ở Việt Nam có thể bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Việt Nam có thể sẽ nhập thêm nhiều xe từ Thái Lan và Indonesia, nơi có các nhà máy lớn của các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu. Theo một đại lý lớn ở Hà Nội, giá xe nhập khẩu ở Việt Nam sẽ giảm ít nhất 10-20%.

Đoán trước được việc giá xe có thể giảm xuống, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã ngừng mua xe ô tô. Doanh số bán ô tô mới trong 11 tháng đầu năm 2017 giảm 10% trong năm xuống còn 245.000 chiếc. Các nhà sản xuất xe hơi ở Việt Nam đối phó với làn sóng xe nhập ngoại bằng cách giảm giá các dòng xe của mình. Trường Hải Auto có ý định giảm giá cho một số mẫu xe sản xuất theo hợp đồng cho Kia Motors và Mazda từ 170USD - 926USD, bắt đầu vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Toyota Việt Nam dự kiến giảm giá các dòng xe bán chạy, bao gồm Toyotar Vios và Camry, từ 1.000 đến 2.500 USD.

Nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp xe hơi còn non trẻ của mình, chính phủ Việt Nam đã quyết định giảm 10-30% thuế hiện đang áp cho các linh kiện ô tô nhập khẩu. Kể từ ngày 1.1.2018, Việt Nam sẽ bãi bỏ thuế nhập khẩu áp cho linh kiện dành cho xe 9 chỗ ngồi, xe dưới 2.000cc, vốn chiếm 70% xe bán ở Việt Nam. Dù có một số điều kiện kèm theo - chẳng hạn như lượng khí thải, số lượng sản xuất và yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa, nhiều hãng sản xuất xe nội địa sẽ hưởng lợi từ quy định này.

Ai đang tận dụng cơ hội này?

Không chỉ ngành công nghiệp xe hơi được hưởng lợi, Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ độ tuổi trung bình của người dân chỉ là 29 và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Vào tháng 12, Thai Beverage đã mua lại Sabeco với giá khoảng 4,85 tỷ USD. Các công ty Thái Lan đã và đang là nhà đầu tư tích cực tại Việt Nam. Central Group, một nhà bán lẻ lớn, đã mua lại siêu thị Big C và siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tập đoàn Siam Cement, một công ty sản xuất vật liệu xây dựng lớn, cũng dự định đẩy mạnh việc mua bán sáp nhập và mua lại tại Việt Nam. Cột mốc mới nhất của AEC có thể khiến các nhà đầu tư khác gia tăng đầu tư tại Việt Nam. 

Tất nhiên, các công ty Việt Nam không chỉ lo phòng thủ ở sân nhà mà còn muốn vươn ra thị trường các nước khác trong khối. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đã mở nhà máy sản xuất sản phẩm sữa đầu tiên tại Campuchia ở Phnom Penh vào tháng 5.2016. Vinamilk cũng đặt mục tiêu vươn ra thị trường Thái Lan và Myanmar. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel) đã đầu tư vào Myanmar vào tháng 1.2017 sau khi mở rộng sang Lào và Campuchia. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã phát triển một khu phức hợp ở Yangon vào năm 2015. Các công ty ở Lào, Campuchia, Myanmar cũng mong muốn mở rộng tầm nhìn của họ. Pharma Product Manufacturing, nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất Campuchia đang nghĩ đến việc thâm nhập thị trường Lào và Myanmar.

Việc 4 nước hội nhập mạnh mẽ vào AEC sẽ là một yếu tố tích cực khi mà Singapore, Malaysia và Thái Lan đang phải vật lộn với tăng trưởng thấp, dân số già và thiếu hụt lao động.

Hiroshi Kobayashi, giám đốc bộ phận nghiên cứu của Châu Á và Châu Đại Dương thuộc JETRO cho biết: "Hội nhập kinh tế ASEAN sẽ được tăng cường hơn nữa từ năm 2018”. 

Nguồn: Báo Thương Trường

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: