Điểm tin

Kinh tế số - Chìa khóa đối với sự phát triển của ASEAN

09 tháng 03. 2018

Singapore - nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018 đang nỗ lực khai thác cơ hội từ công nghệ nhằm đổi mới, đưa khu vực trở nên cạnh tranh hơn, nhất là khi nền kinh tế ASEAN vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản thuế quan lẫn phi thuế quan, thanh toán thương mại và đầu tư chưa rõ ràng trong khi đây là khu vực Internet phát triển nhanh nhất thế giới.

Giới chuyên gia ước tính trong 5 năm tới, mỗi tháng khu vực này sẽ có khoảng 4 triệu người mới truy cập, có thể đạt 480 triệu người vào năm 2020. Ngoài ra, còn có hơn 700 triệu kết nối di động đang hoạt động ở khu vực này. Do đó, chi tiêu có thể tăng tới 6,5 lần hoặc 500% lên 200 tỷ USD vào năm 2025 do được thúc đẩy bởi mua sắm hàng điện tử, quần áo, hàng gia dụng và hàng tạp hóa và du lịch phát triển. Do đó, các nền kinh tế ASEAN có thể được hưởng lợi từ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển này. Tuy nhiên, thực tế là những người tiêu dùng ở Đông Nam Á hiện mới chỉ chi 30 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến.

Trước tình trạng đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã phác thảo tầm nhìn về một thị trường kỹ thuật số duy nhất mà có thể có các tiêu chuẩn để đảm bảo an ninh không gian mạng và cho phép các giao dịch xuyên biên giới với tỷ lệ giao dịch hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu đi vào hoạt động, một hệ thống thanh toán điện tử ASEAN hợp nhất sẽ cho phép một công ty Singapore có thể trả tiền cho nhà cung cấp của Indonesia bằng đồng rupiah thông qua việc thực hiện thanh toán qua biên giới ngay lập tức.

Việc loại bỏ các rào cản về chi phí và hậu cần đối với thanh toán quốc tế được đánh giá là một biện pháp hữu hiệu để mở ra tiềm năng tiềm năng tăng trưởng của ASEAN. Nếu các tiêu chuẩn như ISO 2022 được thông qua để hỗ trợ mạng lưới này, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được kết nối toàn cầu, tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khối cũng như với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Để phù hợp với nền kinh tế số, Singapore đang đề xuất sự phát triển mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Phát triển cơ sở hạ tầng là trọng tâm của tất cả các dự án phát triển đô thị. Đường sá, bến cảng, sân bay và lưới điện viễn thông cần được xây dựng hoặc lắp đặt để phục vụ cho các nhu cầu của người dân. HSBC ước tính cần vốn đầu tư 2.100 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực.

Rõ ràng với một khu vực có dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang phát triển thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số. Nếu không đầu tư vào việc phát triển nền kinh tế số một cách hợp lý ASEAN sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu

Nguồn: Báo Hải Quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: