Điểm tin

Bài toán đào tạo nhân lực chất lượng cao của Thái Lan

20 tháng 03. 2018

Thái Lan là một trong những quốc gia “nhập khẩu” chương trình đào tạo kỹ thuật viên từ Nhật Bản, với hy vọng giúp nước này tránh khỏi nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Các trường trung học dạy nghề ra đời sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã cung cấp nguồn nhân lực hiệu quả phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế Nhật Bản, và giờ đây các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trong đó có Thái Lan, cũng đang tìm kiếm những lợi ích tương tự từ mô hình này.

Mô hình dạy nghề cho học sinh trung học kosen được triển khai tại Nhật Bản nhằm mục tiêu nuôi dưỡng thanh thiếu niên trở thành các kỹ sư lành nghề chỉ sau 5 năm đào tạo chuyên sâu. 

Đào tạo nhân lực chất lượng cao

Theo số liệu của Văn phòng Chính sách Công nghệ Khoa học và Đổi mới Quốc gia (STI), trong năm 2016, nhu cầu đối với lao động ngành kỹ thuật của Thái Lan là hơn 43.228 người, trong khi tỷ lệ kỹ thuật viên đáp ứng công việc chỉ là hơn 31.490, tương đương 73%.

Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong lĩnh vực này là 68.667 người. Điều này thể hiện chất lượng đào tạo còn yếu đã dẫn tới sự thiếu hụt kỹ thuật viên lành nghề trong các ngành chế tạo và sản xuất.

Điểm đặc biệt của mô hình kosen là đối tượng từ 15 tuổi trở lên, với chương trình đào tạo kéo dài 5 năm cung cấp cho học viên kiến thức và kỹ năng thực hành trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật – công nghệ. Chương trình học bao gồm cả các môn giáo dục đại cương trong năm đầu tiên và các môn học chuyên ngành, thí nghiệm và thực hành chiếm đa phần trong những năm tiếp theo.

Việc tiếp cận với môi trường làm việc thực tế từ sớm đem lại cho học viên nhiều kinh nghiệm cũng như cơ hội để phát hiện tài năng trong nghiên cứu, phát triển các sáng kiến về kỹ nghệ nhanh hơn những người học hết trung học rồi mới lựa chọn chuyên ngành ở các trường đại học hay trung cấp dạy nghề. Sau khi hoàn thành chương trình, học viên có thể tiếp tục các chương trình học tập và nghiên cứu chuyên sâu hơn tại các trường đại học.

Để tìm hiểu thêm về quá trình triển khai mô hình đào tạo này tại Thái Lan, các phóng viên của hãng tin Nikkei đã đến thăm trường Cao đẳng kỹ thuật Suranaree, thuộc tỉnh Nakhon Ratchasima - cách trung tâm thủ đô Bangkok 4 giờ lái xe.

Trả lời phỏng vấn nhà báo, Jiranuwat Chornkrathok, một học viên 16 tuổi sử dụng thành thạo máy hàn, cho biết mong muốn của em là trở thành kỹ sư tại một nhà sản xuất thiết bị điện hoặc tại một nhà máy phát điện.

Trường Cao đẳng kỹ thuật Suranaree đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kosen vào mùa Xuân năm nay, với sự hợp tác và hỗ trợ của Viện Công nghệ Quốc gia Kosen Nhật Bản - cơ quan quản lý độc lập phụ trách việc thành lập và quản lý các trường cao đẳng kosen. Các giảng viên Nhật Bản đã sang Thái Lan để xây dựng một chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu nhân lực tại Thái Lan cũng như hỗ trợ đào tạo giáo viên bản địa. 

Ông Surapun Junsavut, giáo viên 36 tuổi tại trường Cao đẳng kỹ thuật Chonburi, đã tham gia khóa học kéo dài một tuần về ngôn ngữ lập trình đa năng Python thường được sử dụng để vận hành trí thông minh nhân tạo. Ông bày tỏ sự bất ngờ trước những khác biệt giữa phương pháp giảng dạy của giảng viên Thái Lan và Nhật Bản. Theo đó, chương trình kosen đặc biệt chú trọng việc đào tạo thông qua thực hành và các cách tiếp cận thực tiễn.

Giới chức Thái Lan kỳ vọng rằng mô hình đào tạo thanh thiếu niên trở thành các kỹ thuật viên từ sớm sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục cũng như góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế của nước này.

Nền công nghiệp của Thái Lan đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, trong đó lĩnh vực ô tô đặc biệt ghi nhận những thành quả nổi bật. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ những nước có chi phí sản xuất thấp hơn như Myanmar và Campuchia.

Để tránh sập bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia đang phát triển khác gặp phải, Chính phủ Thái Lan đã công bố dự án "Thái Lan 4.0", một sáng kiến nhằm cải cách và nâng cấp cơ cấu của các ngành công nghiệp then chốt.

Trong đó, động lực của sáng kiến trên chính là đội ngũ lao động chất lượng cao, góp phần đáng kể vào quá trình kiến tạo và đổi mới công nghệ. Cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan cũng hy vọng rằng mô hình trường đào tạo nghề kosen sẽ cải thiện một phần tình trạng “đói” kỹ sư, chuyên gia lành nghề trong các ngành công nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các trường trung học đào tạo nghề vẫn đang chật vật trong việc thu hút học viên. Bên cạnh việc Thái Lan có tỷ lệ sinh thấp, một nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do sinh viên cao đẳng kỹ thuật Thái Lan thường ít được đánh giá cao và giới trẻ có xu hướng ưa thích các nghề “cổ cồn trắng” (chỉ những công việc quản lý hoặc hành chính trong môi trường văn phòng) hơn khối ngành kỹ thuật.

Ứng phó với sự thay đổi

ASEAN sở hữu thị trường tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới và có cơ hội phát triển nhanh hơn bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển của “kỷ nguyên số” thông qua các công nghệ như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây… với tự động hóa sâu rộng, sẽ đẩy mạnh chuyển dịch và thay thế lao động, nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động.

Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo ở nhiều nước ASEAN, đồng thời đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cuối tháng Hai vừa qua cho biết kinh tế toàn cầu nhìn chung đang tăng trưởng, nhưng bối cảnh đang thay đổi khi nguy cơ xảy ra các mâu thuẫn thương mại đang gia tăng, cùng với đó là xu hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ và những thay đổi về công nghệ.

Phát biểu tại một hội nghị của IMF ở Jakarta nhằm chuẩn bị cho các cuộc họp thường niên của tổ chức này sẽ diễn ra vào tháng Mười tới tại Bali, Indonesia, bà Lagarde cho biết IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 3,9% trong năm 2018 và 2019.

Người đứng đầu IMF cho rằng các nước ASEAN cần phải nắm bắt những mô hình tăng trưởng mới tập trung nhiều hơn vào nhu cầu trong nước, thương mại khu vực và sự đa dạng hóa nền kinh tế, đồng thời chuẩn bị cho những thay đổi công nghệ như xu hướng tự động hóa đang gia tăng trong sản xuất, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, các công nghệ tài chính mới và các loại tiền kỹ thuật số.

Theo bà Lagarde, những tiến bộ công nghệ này có thể lấn át một số loại hình công việc, song các nước cần phải thúc đẩy những nỗ lực nhằm đào tạo người lao động để họ có thể tận dụng tốt hơn các công nghệ mới.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: