Điểm tin

Australia - ASEAN: Láng giềng xa, đối tác gần và con đường tương lai đầy triển vọng

23 tháng 03. 2018

Australia là đối tác đối thoại lâu đời nhất của ASEAN, cụ thể là từ năm 1974, khi ASEAN mới chỉ có 5 thành viên và thế giới còn đắm chìm trong Chiến tranh Lạnh.

Từ láng giềng xa thành đối tác gần

Mối quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia vừa có được không chỉ là sự kiện quan trọng mới mà còn là dấu mốc phát triển với cuộc gặp cấp cao song phương ở Sydney (Australia). 

ASEAN và Australia thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược năm 2014. Là 1 trong 10 đối tác đối thoại của ASEAN, Australia vẫn thường xuyên có cuộc cấp cao với ASEAN, nhưng cho tới nay luôn đều ở lãnh thổ của một trong những thành viên của ASEAN. Cuộc gặp cấp cao vừa rồi lần đầu tiên diễn ra trên lãnh thổ Australia. 

Đối với ASEAN, như thế là rất hy hữu bởi cho tới nay ASEAN mới chỉ có tiến hành cấp cao song phương ở bên ngoài phạm vi ASEAN với Nga và Mỹ năm 2016 và một cuộc cấp cao với Ấn Độ ở New Delhi năm ngoái, nhưng đó là để kỷ niệm 40 năm hai bên thiết lập quan hệ hợp tác.

Như thế đủ để thấy cuộc gặp cấp cao này quan trọng như thế nào đối với ASEAN và Australia. 

Mục tiêu chính mà hai bên cùng theo đuổi là thúc đẩy quan hệ hợp tác và liên kết trên tất cả các lĩnh vực, hay nói cách khác là làm cho láng giềng xa nhau trở thành đối tác gần của nhau.

Nhóm ASEAN chiếm 15% ngoại thương của Australia và là đối tác thương mại quan trọng thứ 3 của Australia.

Đầu tư trực tiếp của Australia vào nước láng giềng gần (New Zealand) còn nhiều hơn vào cả thảy 10 nước thành viên ASEAN.

Nhưng Australia không thể không nhận thấy tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với ASEAN còn rất lớn. Ở khu vực Đông Nam Á của ASEAN lại có vùng biển với tên gọi là Biển Đông, đây là nơi có sự hoà bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế và liên quan trực tiếp đến lợi ích chiến lược cơ bản và lâu dài của Australia.

Triển vọng hợp tác lâu dài Australia - ASEAN

Cùng với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, Australia đang vươn tầm nhìn vượt xa ra ngoài phạm vi châu Á - Thái Bình Dương tới khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Trong khu vực ấy, ASEAN không chỉ là một trung tâm về địa lý mà còn có thể trở thành đối tác quan trọng đối với cái gọi là "Bộ Tứ kim cương", vì cả bốn hiện đều đã là đối tác chiến lược hoặc đối tác đối thoại của ASEAN.

ASEAN còn vô cùng quan trọng đối với Australia trong việc đối phó với những ý đồ chiến lược lâu dài của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Hay nói theo cách khác, trong lợi ích chiến lược hiện tại cũng như lâu dài của Australia, khu vực Đông Nam Á và ASEAN ngày càng thêm quan trọng và Australia không thể không coi trọng.

Để xích lại gần hơn với châu Á và liên kết chặt chẽ hơn với châu Á, Australia nhìn nhận ASEAN là đối tác thích hợp nhất và dễ dàng quan hệ nhất.

Trong ASEAN, có một số thành viên vừa cùng với Australia và một vài đối tác khác nữa ký kết thoả thuận về Quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), không có sự tham gia của cả Trung Quốc và Mỹ.

Cái này bổ sung và hậu thuẫn cái kia như thế giúp Australia có đối trọng và có được thế cũng như lực mới trong quan hệ với các đối tác khác trên mọi phương diện.

ASEAN cũng phải vươn tầm nhìn ra xa hơn nữa và phải nhằm tới cả cấp độ, mức độ cũng như chất lượng mới trong quan hệ với các đối tác, tìm kiếm từ đó động lực mới cho hợp tác và liên kết khu vực, cho quá trình chủ động liên kết châu lục.

Sự đồng thuận quan điểm, lợi ích chung và nhu cầu bức bách như nhau về đối phó những thách thức đang đặt ra trên lĩnh vực an ninh và phát triển, kết nối kinh tế và thương mại tự do giúp ASEAN và Australia dễ dàng xích lại gần nhau hơn.

Kết quả cuộc gặp cấp cao Australia - ASEAN cho thấy hai bên về cơ bản cùng hội cùng thuyền trong chuyện đối phó ý đồ của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, trong việc đối phó chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, trong vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ý nghĩa chính trị của sự kiện rất đáng kể đối với cả hai bên. Tuy nhiên, những bài học từ các cuộc gặp cấp cao của ASEAN với Nga, Mỹ và Ấn Độ trước đó đều cho thấy có được dấu mốc hợp tác mới là rất cần thiết và quan trọng nhưng chưa thể đủ.

Sau đấy là việc phải thể hiện tinh thần của cuộc gặp cấp cao thành dự án hợp tác cụ thể, khả thi và hiệu quả thiết thực, thành giá trị và tác dụng thực tiễn.

ASEAN và Australia đã có được sự khởi hành mới nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài và cả hai phía vẫn còn phải kiên định quyết tâm chính trị cũng như cách tiếp cận rất thực tế.

Nguồn: Tri Thức Trẻ

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: