Điểm tin

Australia sẽ can dự sâu rộng hơn với Đông Nam Á

30 tháng 03. 2018

Sau Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Australia - ASEAN, Bộ phận phân tích và dự báo (EIU) thuộc The Economist vừa có bài viết với tựa đề “Hội nghị Cấp cao Australia - ASEAN báo hiệu quan hệ gần gũi hơn”.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Australia - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần đầu tiên báo hiệu cam kết của Australia về việc theo đuổi sự can dự sâu rộng hơn với Đông Nam Á, xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này đối với tương lai kinh tế và chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Australia sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ gần gũi hơn với ASEAN, sau khi quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên được thiết lập năm 2014. ASEAN với 10 nước thành viên, kỷ niệm 50 năm thành lập hồi năm 2017, đã đóng vai trò trung tâm hơn về mặt ngoại giao không chỉ tại Đông Nam Á mà còn cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quyết định của ASEAN trong việc tăng cường quan hệ với những đối tác chiến lược trong khu vực một phần xuất phát từ sự can dự sụt giảm của Mỹ tại khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump. Gần đây nhất hồi tháng 1/2018, 9 nhà lãnh đạo ASEAN đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại New Delhi nhân sự kiện đánh dấu 25 năm quan hệ Ấn Độ - ASEAN.

Sau hội nghị cấp cao Australia - ASEAN tại Sydney, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán sẽ tiến triển đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do bao gồm toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN và sáu quốc gia khác, trong đó có Australia và Trung Quốc.

Australia quan tâm đến việc thắt chặt quan hệ với ASEAN, xuất phát từ việc khu vực với dân số 640 triệu người này là thị trường lớn thứ hai châu Á. Phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp tại hội nghị trên, Thủ tướng Turnbull khẳng định tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại ASEAN mang đến tiềm năng kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Australia.

Thông điệp này càng được nhấn mạnh trong tuyên bố chung được đưa ra vào lúc bế mạc hội nghị với quan điểm bảo vệ những nguyên tắc thương mại tự do và cam kết “tăng cường thương mại và đầu tư cũng như chống mọi hình thức bảo hộ”.

Diễn biến quan trọng nhất của hội nghị trên là là sự kiện thành lập Sáng kiến Hợp tác Cơ sở hạ tầng ASEAN - Australia. Dự án sẽ tập trung vào việc tạo ra những cơ hội cho các nhà đầu tư công và tư nhân trong toàn khu vực về cơ sở hạ tầng.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã khẳng định sáng kiến này không nhằm tạo đối trọng với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Mặc dù vậy, việc đưa ra sáng kiến này vẫn xuất phát từ nỗ lực của Australianhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Trong những tháng gần đây, Australia đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng trong việc hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại các đảo quốc Thái Bình Dương để hạn chế bớt ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này. Tuy nhiên, bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ đầu tư và thương mại với ASEAN, Australia cũng vẫn sẽ thận trọng tránh làm “mất lòng” Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này.

Sự can dự ngày càng tăng của Australia với ASEAN sẽ tăng cường tiếng nói của nước này trong các diễn đàn ngoại giao khu vực và củng cố khả năng các quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa những nước nhỏ tại châu Á sẽ cho phép họ giải quyết thành công những thách thức chiến lược do sự dịch chuyển cán cân quyền lực quốc tế gây ra./.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: