Điểm tin

Nguy cơ ASEAN bị Mỹ trừng phạt thương mại

17 tháng 04. 2018

Trang mạng Asian Nikkei Review vừa có bài viết nhận định rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể chuẩn bị áp dụng các biện pháp bảo hộ hướng tới các nước Đông Nam Á, với Thái Lan có thể là mục tiêu đầu tiên. 

Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ đưa ra một báo cáo định kỳ 6 tháng để phân tích các chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại trong tháng này và trong tháng 10. Trong báo cáo mới nhất, 5 quốc gia bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn nằm trong danh sách theo dõi. Ngoài ra, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cũng đang có những khoản thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ, có thể bị đưa vào danh sách theo dõi.

Có ba ngưỡng đánh giá đối tác thương mại mà Mỹ xem xét để xác định việc có đưa quốc gia đó vào danh sách theo dõi hay không. Một là quốc gia này có thặng dư thương mại hơn 20 tỷ USD với Mỹ, hai là thặng dư tài khoản vãng lai vượt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và thứ ba là lượng ngoại tệ mà nước đó đơn phương mua vào vượt quá 2% GDP.

Nếu một nước có 2/3 yếu tố này, Bộ Tài chính Mỹ có thể đưa nước đó vào danh sách theo dõi. Nếu tất cả ba tiêu chí đều được đáp ứng, thì quốc gia này có thể được xem là một nước thao túng tiền tệ, có thể chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Năm 2017, thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ lần đầu tiên đạt 20 tỷ USD, nhờ xuất khẩu máy tính và linh kiện liên quan tăng 9%, và xuất khẩu cao su, bao gồm lốp ô tô, tăng gần 30% so với năm trước. Thặng dư tài khoản vãng lai của Thái Lan đạt 10,8% GDP, vượt quá ngưỡng của Mỹ.

Một khoản thặng dư tài khoản vãng lai lớn gây áp tăng giá cho đồng Baht. Dự trữ ngoại hối của Thái Lan vào cuối năm 2017 đạt 202,5 tỷ USD, tăng gần 20% so với một năm trước. Sự gia tăng mạnh của dự trữ ngoại hối cho thấy Ngân hàng Thái Lan khuyến khích việc bán ra đồng Baht và mua vào USD, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Thái Lan bằng cách giữ cho đồng nội tệ yếu.

Như vậy, Thái Lan có đủ cả 3 tiêu chí trên của Mỹ. Nếu thành hiện thực, Thái Lan sẽ là quốc gia đầu tiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành mục tiêu trừng phạt của chính quyền Trump. Các nước Đông Nam Á khác dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng như Việt Nam và Malaysia cũng có nguy cơ tương tự.

Trong vài tuần gần đây, Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến việc tăng thuế trả đũa với Bắc Kinh. Các nhà phân tích cho rằng triển vọng cho nền kinh tế toàn cầu có thể xấu đi khi các nước Đông Nam Á đối mặt với hành động tương tự từ Mỹ.

Nguồn: Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: