Điểm tin

Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đặt ASEAN vào khó khăn

02 tháng 05. 2018

Các bất đồng thương mại Mỹ-Trung đang đặt nhiều nước Đông Nam Á nằm trong chuỗi giá trị của Trung Quốc vào tình thế rủi ro, theo báo The Wall Street Journal.

Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 mới đây ở Singapore, các nhà lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN) lo lắng nước họ sẽ nằm trong số các nước chịu rủi ro nhiều nhất từ các tác động tiêu cực của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung vì chi phí thuế nhập khẩu mà hai nước áp vào hàng hóa của nhau sẽ gây ra tác động dây chuyền lan tỏa ra các chuỗi cung cấp toàn cầu và có thể gây thiệt hại hàng tỉ đô la Mỹ.

Mối xung đột thương mại ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến các lãnh đạo ASEAN lo lắng khi họ đang tìm cách ngăn ngừa các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại của họ hứng chịu tổn thất ngoài dự kiến trong cuộc tranh chấp nhất này.

“Bầu không khí chính trị ở nhiều nước đã chuyển sang chống lại thương mại tự do. Đặc biệt, các căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là mối lo ngại trực diện nhất của chúng ta”, Thủ tướng Sinagpore Lý Hiển Long nói trong bài phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 hôm 27-4.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho biết Đông Nam Á vẫn chưa làm gì nhiều để chuẩn bị phòng vệ trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.

Deborah Elms, người sáng lập Trung tâm thương mại châu Á ở Singapore, cho biết một số nước ASEAN thực sự đứng trước rủi ro lớn từ cuộc chiến tranh mại này. “Cuộc chiến tranh thương mại đó sẽ gây xáo trộn các hoạt động sản xuất và tôi nghĩ rằng mối thách thức hiện này là hầu hết các công ty trong khu vực không nhận ra được nó sẽ gây xáo trộn. Không có công ty nào thực sự thẩm định các rủi ro”, ông nói.

Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trong tuần này nhằm ngăn chặn các kế hoạch đánh thuế nhập khẩu vào hàng hóa của nhau trị giá hàng tỉ đô la Mỹ.

Singapore, trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực, sẽ đứng trước rủi ro lớn trước một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Chẳng hạn, nước này sản xuất các ổ cứng, rồi bán sang Trung Quốc để lắp ráp vào các sản phẩm trước khi xuất sang Mỹ. Quy trình gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc này mang lại gần 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, theo Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD).

Trong khi đó, Malaysia và Indonesia cũng sản xuất các linh kiện cho hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bao gồm các máy móc hạng nặng và các hàng hóa khác. Hoạt động này giúp Malaysia và Indonesia thu về lần lượt 3,9 tỉ đô la Mỹ và 2,7 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, đó là những con số thống kê vào năm 2011. Các nhà phân tích cho rằng các con số đó trong năm 2018 có thể sẽ ở mức cao hơn nhiều.

Mối hy vọng lớn để bù đắp cho các thiệt hại tiềm tàng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà ASEAN và sáu đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zealand đang đàm phán.

Dù hội nghị cấp cao ASEAN ra tuyên bố chủ tịch hôm 27-4 trong đó khẳng định ASEAN nhất trí hoàn tất sớm các cuộc đàm phán RCEP nhưng cho đến nay, ít ai kỳ vọng RCEP sẽ đạt được nhiều tiến triển. Các thành viên RCEP đã trải qua 22 vòng đàm phán trong gần sáu năm trời nhưng vẫn còn bất đồng về các mức thuế.
Điều này khiến các nước Đông Nam Á có ít công cụ chính sách để bảo vệ họ trước một cuộc chiến tranh thương mại.

“Cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung là mối lo ngại ngày càng lớn đối với các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu ở khu vực ASEAN”, Chen Chen Lee, Giám đốc các chương trình chính sách tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA), nói. Chen Lee cho rằng cuộc tranh chấp thương mại này cho thấy ASEAN cần phải đẩy nhanh hội nhập kinh tế trong khu vực nhưng cũng cần phải thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại nếu muốn vượt qua làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mới.

Một số chuyên gia thương mại nói rằng khu vực ASEAN có thể được hưởng lợi từ cuộc tranh cãi thuế nhập khẩu Mỹ-Trung Quốc nếu các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc chuyển các cơ sở sản xuất của họ đến những nước khác để tránh bị áp các mức thuế nhập khẩu mới.

“Mọi người sẽ tìm kiếm các kế hoạch xuất khẩu khác”, ông Michael Michalak, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện nay là Phó chủ tịch cấp cao ở Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nói.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: