Điểm tin

"Cửa" nào để hàng Việt vào Thái Lan?

31 tháng 05. 2018

Đề cân bằng thương mại giữa hai nước, nhiều mặt hàng của Việt Nam đang tìm đường vào Thái Lan.

Không xa về khoảng cách địa lý và có khẩu vị tiêu dùng khá tương đồng, nhưng trong khi hàng Thái vào VN ngày càng nhiều và khá dễ dàng thì hàng Việt xuất vào thị trường này lại rất chật vật.

Nhiều cơ hội

Năm 2017, Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nội khối ASEAN với 15,11 tỉ USD, chiếm 30,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với cả khối ASEAN. Việt Nam - Thái Lan đang hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 20 tỉ USD vào năm 2020. 

Không ít sản phẩm Việt được người Thái rất thích nhưng chủ yếu được xuất sang thị trường này bởi doanh nghiệp (DN) trung gian hoặc được thương nhân tự do nhập về Thái và đưa ra bán tại các nhà ga, sân bay với số lượng không nhiều.

Do đó, dù các sản phẩm này có thương hiệu được biết đến rộng rãi tại thị trường nội địa nhưng lại khá xa lạ với người tiêu dùng Thái Lan.

Năm 2016, ngay sau khi hoàn tất mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam (đổi tên thành MM Mega Market Việt Nam) vào tháng 1.2016, Tập đoàn TCC Thái Lan đã đẩy mạnh tìm kiếm các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam để xuất sang thị trường Thái Lan. Và lô hàng đầu tiên với hơn 100 tấn thanh long đã được xuất thử vào hệ thống siêu thị Big C của Thái vào năm 2016. Mặc dù Việt Nam và Thái Lan có nét tương đồng về sản phẩm nhưng nông sản Việt Nam rất được người Thái ưa chuộng.

Thời gian gần đây, MM Mega Market Việt Nam đã xuất khẩu được 12.000 tấn thanh long và 100 tấn khoai lang sang Thái Lan. Khoảng 2 tháng nữa, Công ty sẽ xuất khẩu cua Cà Mau, bưởi da xanh, cam, vú sữa, cá tra phi lê, tôm, sản phẩm đông lạnh của Việt Nam sang thị trường Thái.

Ngoài các đơn đặt hàng ổn định trên 100 tấn mỗi tháng, Công ty cũng đang triển khai xuất khẩu mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh, ước tính trung bình hơn 50 tấn mỗi tháng.

Không chỉ có tập đoàn này, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có hàng bán tại Thái Lan. Chẳng hạn, sản phẩm sấy khô của Vinamit; bánh tráng, bún gạo, miến... của Công ty Bích Chi... nhưng chủ yếu qua trung gian. Thị trường Thái có khá nhiều loại snack nhưng bánh phồng tôm vẫn được người Thái yêu thích vì sản phẩm mang một hương vị mới.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hàng Việt Nam Chất lượng cao (BSA), chia sẻ: “Vừa qua, Trung tâm BSA có gửi thúng, thuyền, rổ rá của Việt Nam qua Thái để chuẩn bị trưng bày trong hội chợ sắp tới mới biết là sản phẩm này của Việt Nam vẫn được xuất khẩu hằng ngày qua Thái”.

Điều này chứng tỏ Thái Lan vẫn nhập khẩu khá nhiều sản phẩm Việt Nam nhưng không qua kênh chính thống. Sau khi Tập đoàn Central Group đưa thông tin xuất cua Cà Mau qua Thái thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết đã xuất cua sang Thái từ lâu nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch.

Cần tạo sự khác biệt

Tuy nhiên, Thái Lan là thị trường lớn, người Thái có bước nhảy vọt về ngành bán lẻ nên sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt. Những sản phẩm thế mạnh của Thái Lan cũng tương đồng những sản phẩm Việt Nam. Dù có lợi thế nhưng hàng Việt vẫn không thể thắng hàng nhập khẩu ồ ạt từ Thái, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa.

Ngoài ra, một "điểm trừ" đối với sản phẩm Việt Nam đó là chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nên chưa khẳng định được tính đặc sắc của nông sản Việt Nam. Cộng thêm yếu tố bao bì chưa thực sự hấp dẫn và tiện lợi cho người tiêu dùng nước ngoài. “Đặc biệt, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Mỹ”, đại diện của Central Group chia sẻ.

Theo những doanh nghiệp đã đưa hàng sang Thái như Tập đoàn TCC, Central Group, doanh nghiệp muốn đưa hàng vào Thái thì phải kiên trì. MM Mega Market Việt Nam mặc dù có nguồn gốc Thái Lan cũng phải mất 2 năm tìm hiểu thị trường.

Để bán được hàng, các doanh nghiệp còn phải qua rất nhiều khâu đàm phán, thương lượng. Ngay cả như Bóng đèn Điện Quang dù đã thương lượng đến gần 80% quá trình nhưng vẫn chưa thể đưa hàng lên kệ. Thậm chí, có những doanh nghiệp sau 5 năm hiện diện ở thị trường Thái mới tìm được nhà phân phối chính thức.

"Vì thế muốn chinh phục người tiêu dùng Thái thì sản phẩm của doanh nghiệp Việt phải cố gắng có sự độc đáo, đặc trưng. Ví dụ, cùng mặt hàng với Thái Lan thì nghiên cứu mẫu mã cho thật đặc sắc, chất lượng thật vượt trội; hay tập trung vào đặc sản tiềm năng như vải thiều, thanh long...", bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định.

Nguồn: Enternews

 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: