Điểm tin

Thúc đẩy các sáng kiến kết nối nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN

13 tháng 06. 2018

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore S Iswaran cho biết các nước thành viên ASEAN cần tăng cường kết nối kỹ thuật số khu vực để có thể tận dụng cơ hội ngày càng tăng trong một môi trường đổi mới và số hóa toàn cầu, cũng như đáp ứng những thách thức trong tương lai.

Phát biểu tại Hội nghị Kinh tế số vừa diễn ra ở Singapore, ông S Iswaran cho biết, theo dự báo, nền kinh tế kỹ thuật số Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tiềm năng lên tới 200 tỷ USD vào năm 2025, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử chiếm 88 tỷ USD. Khảo sát của Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) về Triển vọng ASEAN 2017-2018 tại hội nghị cũng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều khẳng định ASEAN là thị trường quan trọng trong chiến lược mở rộng kinh doanh tổng thể của họ trong năm 2018 và 2019; trong đó Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar là những thị trường mà các doanh nghiệp ưu tiên mở rộng từ năm 2018-2020.

Ông S Iswaran nhấn mạnh, ASEAN trước tiên phải giải quyết những thách thức do nền kinh tế kỹ thuật số đặt ra, đồng thời các chính phủ phải bắt kịp với kinh tế kỹ thuật số và giải quyết những vấn đề hạn chế khả năng của các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó có chính sách liên quan đến luồng dữ liệu và nội địa hóa, sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và hỗ trợ thương mại kỹ thuật số.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore đang làm việc với các nước ASEAN về các sáng kiến cụ thể, như Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy các quy tắc thương mại trong thương mại điện tử vốn đang là rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp để xây dựng kết nối kỹ thuật số lớn hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng thương mại điện tử trong khu vực; cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp tiềm năng, khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Bộ trưởng S Iswaran cho biết thêm, hiện có 3 lĩnh vực là cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN tham gia mạnh vào nền kinh tế kỹ thuật số. Một là phát triển các liên kết giữa thương mại-người tiêu dùng (B2C) thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đây được coi là trụ cột phát triển nhanh nhất của nền kinh tế Internet. Hai là dịch vụ hỗ trợ bao gồm thanh toán, bảo hiểm, phát hiện gian lận, dịch vụ khách hàng... Ba là cơ sở hạ tầng gồm cơ sở dữ liệu và các trung tâm thương mại điện tử.

Được Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) tổ chức, Hội nghị Kinh tế số thu hút khoảng 450 đại biểu từ khắp các nước trong khu vực, trong đó có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng nhau chia sẻ các xu hướng phát triển của kinh tế kỹ thuật số mà đặc biệt là các lĩnh vực gồm ngân hàng-tài chính, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử và chuỗi cung ứng./.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: