Điểm tin

ASEAN – đối tác kinh tế ưu tiên của Pháp

22 tháng 06. 2018

Pháp coi Đông Nam Á là thị trường nhiều tiềm năng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là đối tác kinh tế quan trọng trong chính sách hướng sang châu Á.

Điều này đã được khẳng định khi Pháp duy trì mối quan hệ tốt đẹp với ASEAN nói chung và toàn bộ các nước thành viên nói riêng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, tới văn hóa, giáo dục. Đây là tiền đề quan trọng để hai bên thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư.

Từ vài năm nay, các nhà lãnh đạo cao nhất của Pháp đã nhận thấy tầm quan trọng của thị trường ASEAN trong bối cảnh các nước thành viên đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế. Với dân số trên 600 triệu người (khoảng 9% dân số thế giới), ASEAN là thị trường lớn có sức tăng trưởng cao từ 5 – 7%. Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN là bước đi lớn làm tăng sức hấp dẫn của khu vực.

Tiến trình hội nhập của ASEAN cho thấy đây là khu vực ủng hộ mở cửa và tự do thương mại, từ đó tạo cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài sự lựa chọn khác và mới mẻ, thay thế những thị trường lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ. Nền kinh tế của cả khu vực hội nhập rất cao vào chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu, và không chỉ có vậy, nội bộ 10 nước Đông Nam Á cũng hình thành một thị trường mở cửa với nhau.

Bên cạnh đó, phía Pháp cũng nhận định các doanh nghiệp châu Âu đang được đón nhận rất tích cực trong khu vực sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc tranh thủ sự phát triển năng động của ASEAN đang trở thành mối quan tâm và là trọng tâm chiến lược phát triển của các doanh nghiệp Pháp, trong đó có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh quảng bá công nghệ và sản phẩm của Pháp sang các quốc gia Đông Nam Á, nâng cao sức cạnh tranh của Pháp trong khu vực mà hàng hóa của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…  đang chiếm ưu thế. Cuộc hội thảo với chủ đề “ASEAN – thị trường lớn hướng tới nền kinh tế sáng tạo” vừa được Thượng viện Pháp phối hợp với Business France-cơ quan chính phủ phụ trách xúc tiến ngoại thương-tổ chức cuối tuần qua tại Paris là một trong những hoạt động như vậy.

Theo số liệu của Kho bạc Pháp, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này tại châu Á, với tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 31 tỷ euro năm 2017, tăng 5,9% so với năm trước đó. Xuất khẩu của Pháp tăng nhẹ, đạt 3,7% trong khi nhập khẩu tăng mạnh hơn, tới 8,1%. Trong bức tranh chung đó, thị phần của Pháp trong khu vực đạt khoảng 1,6%. Dù tỷ lệ này không cao nhưng gần như duy trì ổn định trong 10 trở lại đây. Đây là xu hướng tương đối tích cực nếu so sánh với các thị trường khác, thị phần của Pháp có xu hướng giảm.

Xuất khẩu của Pháp sang Thái Lan tăng 33%, Malaysia tăng 23%, Singapore  tăng 10%,  Việt Nam tăng 7,9%, Myanamar tăng 5,1%, những số liệu cho thấy sản phẩm xuất xứ từ đất nước “Gà trống Gôloa” được đón nhận khá tích cực ở các thị trường chính.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Pháp đổ vào Đông Nam Á cũng khá lớn. Tính đến năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp của Pháp sang ASEAN đạt khoảng 16 tỷ euros, mức lớn thứ ba, sau đầu tư của Pháp sang Trung Quốc và Nhật Bản.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary nhận định ASEAN là thị trường còn có tiềm năng thu hút đầu tư Pháp rất lớn, trong đó Việt Nam có thể coi là một điển hình vì khoảng 60% xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Việt Nam, doanh nghiệp Pháp đã giành một chỗ đứng nhất định  với khoảng 300 dự án hoạt động, ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp khác đang tích cực tìm hiểu cơ hội đầu tư, do vị trí đầu cầu của Việt Nam để bước vào thị trường ASEAN rộng lớn. Theo ông “Pháp có thể giành một vị trí tốt trong khu vực ASEAN đang thay đổi nhanh chóng và sâu sắc”.

Chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại Đông Nam Á, bà Jacky Deromedi, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Đông Nam Á và là đồng chủ tọa cuộc hội thảo, cho biết doanh nghiệp Pháp rất được chào đón trong khu vực và người Pháp có thể coi đây là đất nước thứ hai, con cái họ có điều kiện phát triển trong môi trường cởi mở. Bà khuyến khích các doanh nghiệp Pháp tới khu vực này vì “Đông Nam Á chỉ có toàn các lợi thế, một khu vực đang cất cánh mạnh mẽ, một thị trường có tiềm năng rất lớn”.

Theo Đại sứ Singapore tại Pháp, Zainal Arif Mantaha, sự gia tăng ổn định của tầng lớp trung lưu, dự báo sẽ tăng gấp 4 lần từ nay đến năm 2030, sẽ là một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Pháp vốn có thế mạnh trên những lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp hàng không, hàng xa xỉ hay công nghiệp thực phẩm. ASEAN đã sẵn sàng cho những cơ hội mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo, kinh tế số.

Còn ông Joffrey Célestin-Urbain, Phó giám đốc phụ trách quan hệ song phương của Kho bạc Pháp, nhận xét cơ sở hạ tầng hay biến đổi khí hậu là những lĩnh vực đầu tư mà Pháp có ưu thế lớn trong khu vực. Tại các nước Đông Nam Á, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản rất lớn. Ngân hàng phát triển châu Á ước tính khu vực cần khoảng 3.150 tỷ USD vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong giai đoạn từ 2016 đến 2030, tức là khoảng hơn 200 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 5% GDP của khu vực.

Có tới bốn nước trong khu vực nằm trong diện những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất do biến đổi khí hậu. Trong vài năm tới các nước sẽ phải đầu tư khoảng 200 tỷ USD để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy vậy, theo ông Joffrey Célestin-Urbain, ASEAN cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Thứ nhất là nguy cơ từ chủ nghĩa bảo hộ bởi hầu hết các nền kinh tế khu vực hội nhập khá sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, công nghệ thông tin-viễn thông. Nguy cơ thứ hai có thể xuất phát từ khả năng kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, mà chịu ảnh hưởng nhất là những nước như Lào hay Myanmar, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm từ 35% đến 42% tổng khối lượng xuất khẩu hàng hóa. Nguy cơ thứ ba là thị trường nguyên liệu thế giới do trong ASEAN có sáu nước xuất khẩu nguyên liệu ròng, gồm Indonesia, Myanmar, Brunei, Lào, Malaysia và Việt Nam. Thứ tư là khả năng Mỹ nâng lãi suất chỉ đạo. Đồng tiền của các nước trong khu vực hầu hết gắn với đồng USD nên dễ xảy ra biến động tỷ giá, từ đó ảnh hưởng tới kinh tế của các nước.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy phức tạp với nhiều mối quan ngại lớn về tương lai của thương mại quốc tế, ASEAN được giới doanh nghiệp Pháp đánh giá là khu vực rất cởi mở với trao đổi mậu dịch quốc tế, quan tâm củng cố quan hệ thương mại với châu Âu, như nhận định của ông Joffrey Célestin-Urbain tại hội thảo: “Các nước trong khu vực đã thành công trong việc duy trì chính sách mở cửa năng động, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi TPP, điều đó cho thấy khu vực có cam kết rất chặt chẽ với tự do hóa thương mại và là một tín hiệu tích cực cho dù bối cảnh toàn cầu rất khó khăn”. Sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á cùng những triển vọng đầu tư-thương mại giữa Pháp với ASEAN nói chung và các nước thành viên ASEAN nói riêng, đang góp phần thúc đẩy sự năng động kinh tế của chính nước Pháp./.

Nguồn: Việt Nam Plus

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: