Điểm tin

Thủ tướng: Đơn đặt hàng sản xuất của Việt Nam tăng cao nhất ASEAN

06 tháng 07. 2018

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đang có chỉ số thất nghiệp thấp nhất, đơn đặt hàng sản xuất tăng cao nhất khu vực ASEAN.

Chiều 5/7, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, trước những biến động về thị trường chứng khoán, tỷ giá…gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt, không chỉ tăng trưởng cao mà lạm phát được kiểm soát, khả năng dự trữ, chống chịu của nền kinh tế tốt hơn rất nhiều so với trước đây, nhất là dự dự trữ ngoại tệ, lương thực, năng lượng”. Dẫn khảo sát của Nikkei, Việt Nam đang có chỉ số thất nghiệp thấp nhất, đơn đặt hàng sản xuất tăng cao nhất khu vực ASEAN.

 Về chiến lược phát triển bền vững, nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột là bền vững kinh tế, về xã hội và bền vững môi trường.

Sau 30 năm, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.

Thu nhập của người dân đầu người tăng từ mức 94 USD năm 1990 lên gần 2.400 USD năm 2017, tương đương khoảng 6.700 USD tính theo ngang giá sức mua (PPP). “Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao trong 2 thập niên tới”- Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Việt Nam hiện đã giảm còn 7% vào cuối năm 2017. Tuổi thọ trung bình tăng lên đạt khoảng 73,5 tuổi- thuộc nhóm cao của thế giới. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng cũng khẳng định, từ lâu Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao trong phát triển bền vững.

Thời gian qua, Việt Nam đã xử lý nghiêm các sự cố gây ô nhiễm môi trường, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi các ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, tiềm ẩn các nguy cơ cao gây ô nhiễm lớn…“Việt Nam tự tin sẽ đạt được và thậm chí hoàn thành trước nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc trước năm 2030”- Thủ tướng nói.

“Chìa khóa” là thế hệ trẻ

Theo Thủ tướng, phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không vấn đề xã cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, do vậy cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu và lộ trình thực hiện, hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các cấp, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện.

Liên quan về cách thể chế kinh tế, Thủ tướng cho rằng, điểm mấu chốt của nhiệm vụ này là nỗi lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch, giảm cả chi phí tài chính và thời gian, hướng tới mức trung bình của ASEAN-4 làm nền tảng hướng tới chuẩn mực của OECD.

Cùng đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhất là VCCI trong việc phát hiện các rào cản về thể chế pháp luật, nhất là điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính. Đề cao trách nhiệm giải trình, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, các tiêu cực, nhũng nhiễu với DN.

"Tinh thần của Chính phủ Việt Nam là tạo mọi điều kiện cho mọi DN, nhất là kinh tế tư nhân phát triển tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa, mọi DN, mọi cá nhân, thậm chí kể cả các ngài đại sứ, hãy tạo điều kiện tốt nhất cho họ thành công. Thành công của họ là thành công của chúng ta. Thành công đó phải lan tỏa sự đổi mới, sáng tạo bền vững”- Thủ tướng nói.

Về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng lưu ý hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm vun đắp, khuyến khích và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, học sinh sinh viên, thanh niên nông thôn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề: ”Chúng ta đã thực sự chủ động sẵn sàng cho 4.0 chưa? Chúng ta chuẩn bị các kỹ năng cần thiết nào cho 4.0? Nhiều chuyên gia khuyến cáo về những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, như nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, gia tăng bất bình đẳng, xâm phạm quyền riêng tư, nguy cơ chiến tranh mạng, thu hẹp quy mô nền kinh tế...”

Theo Thủ tướng, giáo dục là chìa khóa để mọi người, nhất là thế hệ trẻ mở cánh cửa tri thức, tạo ra các cơ hội làm chủ tương lai tươi sáng của đất nước. Chính phủ đảm bảo cơ hội học tập cho mọi người dân, cam kết không ai bị bỏ lại do thiếu các cơ hội học tập. 

"Con đường phía trước của Việt Nam đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn lực con người và tăng cường khả năng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hãy cùng nhau nỗ lực hợp tác xây dựng thể chế vững mạnh, một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển, môi trường sống trong lành, xã hội phát triển hài hòa, thịnh vượng”- Thủ tướng nói.

Nguồn: Tiền Phong

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: