Điểm tin

Tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đối với Việt Nam đạt 98%

17 tháng 08. 2018

Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, các ngành dệt may, da giày, cơ khí, nông sản chế biến vận dụng ưu đãi tương đối tốt để xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, tính đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 98%.

Như vậy, trong số 10 FTA mà Việt Nam đang thực hiện, FTA với nội khối ASEAN (AFTA) có tỷ lệ xoá bỏ thuế quan cao nhất với lộ trình thực hiện là 19 năm, cá biệt, một số ít mặt hàng có lộ trình là 25 năm.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, mức độ tận dụng C/O (chứng nhận xuất xứ) ưu đãi trong xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các FTA ASEAN và ASEAN+ đạt trung bình với Trung Quốc (23%), Nhật Bản (29%), mức độ khá với Australia - New Zealand (30%), ASEAN (33%), Hàn Quốc (33%) và ở mức độ tốt với Ấn Độ (44%).

Các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn lớn có xu hướng vận dụng ưu đãi tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xét từ góc độ ngành, các ngành dệt may, da giày, cơ khí, nông sản chế biến vận dụng ưu đãi tương đối tốt để xuất khẩu.

Theo cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước ASEAN đã gần đạt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan. Đối với các nước ASEAN-6, 99,2% số dòng thuế đã được xóa, trong khi 90,9% số dòng thuế của các nước gia nhập sau là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã được loại bỏ tính tới năm 2017. Dự kiến, tới hết năm 2018, tỉ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN sẽ đạt 98,67%.

Hiện ASEAN đã ký kết và thực hiện 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm: FTA nội khối ASEAN (AFTA) và 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Tháng 11/2017, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 31, các nước ASEAN cũng đã ký kết FTA ASEAN-Hồng Kông, Trung Quốc và Hiệp định đầu tư ASEAN-Hồng Kông, Trung Quốc.

Ngoài ra, các nước thành viên ASEAN cũng đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand nhằm đạt được một hiệp định FTA toàn diện với mức độ cam kết cao hơn các FTA hiện nay giữa ASEAN với các nước đối tác này.

Bên cạnh tự do hóa thuế quan, các nước ASEAN cũng đang triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại của doanh nghiệp như dự án thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế hải quan một cửa...

Việt Nam và các nước ASEAN đã thực thi thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về điện và điện tử, về kiểm tra thông lệ sản xuất thuốc tốt; đã ký MRA về nghiên cứu tương đương sinh học, về hệ thống giám định và chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến nhằm tạo nên một khu vực sản xuất thống nhất trong ASEAN.

Nguồn: Vietnambiz

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: