Điểm tin

Hoãn ATIGA thêm 2 năm, ngành mía đường có thoát khỏi khó khăn?

01 tháng 10. 2018

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ được hoãn thêm 2 năm và đến năm 2020, giao thương giữa Việt Nam với các nước khác trong ASEAN mới chính thức xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu và gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Đây được đánh giá là tin vui cho nhiều ngành, trong đó có ngành đường của Việt Nam.

Tuy vậy, thực tế hiện nay, ở trong nước, việc tiêu thụ chậm, tồn kho lớn và giá đường liên tục giảm sâu đã khiến nhiều nhà máy đường lao đao.

Hiện còn một số nhà máy do giá bán thấp, tiêu thụ chậm nên vẫn nợ tiền mía nông dân. Trong khi đó, niên vụ mới lại sắp bắt đầu, việc đẩy mạnh tiêu thụ đường hiện nay là bài toán khó cần phải giải quyết sớm.

Để hiểu rõ hơn, bên lề phiên "Đấu giá thí điểm hạn ngạch nhập khẩu thuế quan đường 2018" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/9, tại Hà Nội, ông Lê Xuân Trung, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường đã có một số trao đổi liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành.

- Việc Chính phủ duy trì hàng rào hạn ngạch nhập khuế thuế quan nhằm mục đích giúp cho ngành mía đường có thêm đủ thời gian thích ứng với quá trình hội nhập, vậy ở góc độ Hiệp hội ông có đánh giá như thế nào?

Ông Lê Xuân Trung: Việc dừng ATIGA trong năm 2018 và 2019, theo tôi đây là cách hỗ trợ cho ngành mía đướng trong thời gian chuyển đổi, đặc biệt là từng bước giúp cho người nông dân kịp thời thích ứng với hội nhập.

Tuy vậy, năm nay khi tạm dừng ATIGA lại xảy đến một số trường hợp, đầu tiên là giá đường thế giới xuống quá thấp đã ảnh hưởng lớn đến giá đường trong nước.

Đáng chú ý, tác dụng của hạn ngạch là để điều chỉnh giá trong nước thì một vấn đề nóng nữa là chống buôn lậu mặt hàng đường vẫn chưa đạt được yêu cầu. Vì có hạn ngạch thì Chính phủ và các ngành phải điều tiết được giá đường làm sao phù hợp với yêu cầu sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân phát triển mới có tác dụng rất lớn.

Tuy vậy, buôn lậu đường đang ảnh hưởng rất lớn, hiện giá đường trong nước thậm chí còn thấp hơn đường buôn lậu (nếu tính cả nộp thuế) do vậy hạn ngạch có một phần nào không tác động được nhiều đối với ngành mía đường trong nước và người nông dân.

- Ông đánh giá thế nào việc Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu đường nhập khẩu thuế quan năm 2018?

Ông Lê Xuân Trung: Theo tôi việc đấu thầu được tổ chức rất nghiêm túc, công khai, minh bạch với 19 đơn vị đăng ký đấu thầu, trong đó có 17 đơn vị hợp lệ và kết quả đấu thầu cũng thể hiện tình hình chung của ngành mía đường Việt Nam.

Cụ thể, với đường trắng đã được các đơn vị mua hết 29.000 tấn, thể hiện tình hình nhập đường trắng cũng như mức giá sàn để đăng ký hạn ngạch là phù hợp.

Riêng đường thô, phiên hôm nay chỉ đấu được 28.000 tấn/65.000 tấn, điều này cũng thể hiện đúng thực trạng tình hình đường đang dư thừa hiện nay.

Phải nhấn mạnh lại rằng, buổi đấu thầu cũng thể hiện đúng tình hiện tại của ngành mía đường hiện tại là đường trong nước vẫn đang dư thừa và cần có nhiều sự giúp đỡ hơn nhất là việc chống buôn lậu.

Có thể thấy, khi hạn ngạch mà gần với giá bên ngoài sẽ ảnh hưởng rất lớn cho các doanh nghiệp, bởi khi giá thấp doanh nghiệp sẽ phải mua giá mía của nông dân thấp, ảnh hưởng phần nào đến sản xuất kinh doanh của ngành mía đường.

- Việc gia hạn thời gian bỏ hạn ngạch có đủ thời gian để ngành đường trong nước vượt qua được khó khăn không thưa ông?

Ông Lê Xuân Trung: Để nói hết năm 2019, ngành mía đường có hết khó khăn hay không, theo tôi điều quan trọng nhất là sự cố gắng của các doanh nghiệp. Hiện tại, có doanh nghiệp vẫn vượt qua được khó khăn song cũng có nhiều doanh nghiệp đặc biệt là người nông dân đang rất khó khăn khi giá đường xuống ảnh hưởng đến giá mía.

Quan trọng nhất, thời gian này việc cung cầu đường thế giới đang dư thừa nhiều và giá giảm sâu. Do vậy, tác động của việc bỏ hạn ngạch dù tốt nhưng chưa phát huy tác dụng lớn, không đủ hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp và người nông dân.

Hơn nữa, bỏ hạn ngạch mà không chống được buôn lậu thì tác động sẽ rất nhỏ, bởi lẽ ở nước ngoài khi bỏ hạn ngạch họ vẫn điều tiết được giá đường trong nước nhưng ở Việt Nam lại đang chịu ảnh hưởng khá nhiều của đường nhập lậu. Vì đường nhập lậu xuống, đường thế giới xuống sẽ kéo đường trong nước xuống, đấy là khó khăn.

- Xin cảm ơn ông./.

Nguồn: Việt Nam Plus

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: