Điểm tin

Việt Nam – Campuchia hướng đến kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5 tỷ USD

06 tháng 10. 2018

VOV.VN - Việt Nam là thành viên ASEAN có kim ngạch thương mại lớn nhất với Campuchia, hai nước hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5 tỷ USD.

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia có những điều kiện tự nhiên thuận lợi, bổ sung cho nhau để phát triển. Và giai đoạn hiện nay là giai đoạn “vàng” để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại song phương. Đó là nhận định của ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia khi nói về tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

“Từ đầu năm 2018 đến nay, các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã phối hợp chặt chẽ, triển khai các hoạt động hợp tác quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, giao lưu nhân dân. Các hoạt động song phương góp phần đưa mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển vì lợi ích của hai nước” - ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia.

Bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Campuchia. Tại các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao, hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại và cam kết tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác cho tương xứng với mong muốn và tiềm năng to lớn của hai nước. Hai Bên đang quyết tâm phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5 tỷ USD trong thời gian tới. Việt Nam là thành viên ASEAN có kim ngạch thương mại lớn nhất với Campuchia.

Việt Nam và Campuchia đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại như:  ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Thỏa thuận kết nối hai nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam dành thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia. Đổi lại, Campuchia dành thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% cho 14 mặt hàng của Việt Nam thuộc các nhóm sản phẩm sữa, chè, cà phê, túi nilông…

Với những điều kiện và nền tảng thuận lợi như vậy, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đã có những bước tiến vượt bậc. Theo ông Lê Biên Cương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia cho biết, trong giai đoạn 2001-2011, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần 17 lần, từ 169 triệu USD lên 2,83 tỷ USD. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng hơn 29% so với 2016; 7 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 18,7 % so với cùng kỳ năm 2017... Các công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện của Việt Nam đăng ký thành lập, hoạt động trên các lĩnh vực tại Campuchia.

“Các doanh nghiệp Việt Nam tập trung trên lĩnh vực nông, cây công nghiệp cao su chiếm khoảng 70% số vốn đăng ký, thứ 2 là dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm chiếm khoảng 25%, các doanh nghiệp viễn thông chiếm khoảng 8,3%, còn lại là cách doanh nghiệp chế biến sản xuất tiêu dùng, vận tải…”, - ông Lê Biên Cương nói.

Bên cạnh những thành tựu về thương mại, thì lĩnh vực đầu tư cũng có những bước tiến vượt bậc. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 200 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký là trên 3 tỷ USD, trong số 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia. Về phía Campuchia cũng có 18 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng trị giá 58,1 triệu USD. 

Ngoài các hoạt động hợp tác song phương, Việt Nam và Campuchia còn cùng tham gia vào nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực như Hợp tác Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, hợp tác CLMV (gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar), hợp tác ACMECS (gồm 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan), hợp tác Mekong – Nhật Bản, hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng, hợp tác ASEAN...

Thông qua các hoạt động hợp tác này, quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường vì lợi ích của người dân mỗi nước, vì sự thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như vì hòa bình và ổn định trong khu vực. 

Những thành quả về kinh tế và thương mại sẽ góp phần vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, góp phần vào sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước, cũng như thúc đẩy ASEAN ngày càng lớn mạnh./.

Nguồn: VOV

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: