Điểm tin

Vì sao AEC với doanh nghiệp Việt vẫn xa vời?

12 tháng 10. 2018

Dù đã gia nhập AEC 3 năm, nhưng hiểu biết của các doanh nghiệp về cộng đồng này còn khá hạn chế và những cởi bỏ về hàng rào thuế quan vẫn chưa được tận dụng.

Ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ An Cường cho biết, từng mở văn phòng đại diện ở Myanmar nhưng được vài tháng phải đóng cửa vì nhiều chi phí cao.

Doanh nghiệp “gặp khó” vì thiếu thông tin

“Hiện nay, thay vì duy trì văn phòng đại diện, tôi mở thêm đại lý, chấp nhận chiết khấu % cho họ và hiệu quả hơn hẳn". Như vậy, mặc dù cùng là thành viên trong Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), nhưng hàng hóa của doanh nghiệp Việt vẫn “gặp khó” tại thị trường Myanmar, những cam kết về mở cửa cho hàng hóa và tạo thuận lợi giữa các thành viên AEC doanh nghiệp đã không thể tận dụng được.

Được biết, tại Hiệp định Khung ASEAN về Hội nhập các ngành ưu tiên, các nước thành viên đã cam kết loại bỏ thuế quan sớm hơn 3 năm so với cam kết theo Chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung của AFTA (CEPT/AFTA). Các ngành ưu tiên hội nhập gồm: 7 ngành sản xuất hàng hóa là nông sản, thủy sản, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử, ô tô; 2 ngành dịch vụ là hàng không và thương mại điện tử và 2 ngành vừa hàng hóa vừa dịch vụ là y tế và công nghệ thông tin.

Cùng quan điểm đó, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ về việc muốn tham gia thị trường ASEAN, xuất khẩu một số mặt hàng đặc sản truyền thống nhưng chưa có thông tin về cơ hội và lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc như thế nào.

Do vậy mà sau 3 năm gia nhập AEC, những cởi bỏ về hàng rào thuế quan vẫn chưa được doanh nghiệp tận dụng. Thậm chí, sự tương đồng về văn hóa, sản phẩm với các nước trong khu vực cũng là các nguyên nhân khiến hàng hóa Việt gặp khó trong cạnh tranh với các nước.

Làm sao để nhận diện thị trường, khách hàng mục tiêu để tăng hiệu quả giao thương và giảm rủi ro là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp đặt ra.

Cần thay đổi tư duy về sức ép cạnh tranh

Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): “Cản trở lớn của việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN là bản thân doanh nghiệp ít các kiến thức chuyên sâu về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển trong cộng đồng này”.

Do đó, bà Tuệ Anh cho rằng, các doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị tâm thế chủ động, thay đổi tư duy về sức ép cạnh tranh. Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp phải sẵn sàng biến sức ép cạnh tranh thành động lực để phát triển.

Không chỉ thiếu hiểu biết về các cơ chế hợp tác hỗ trợ, doanh nghiệp cũng chưa thấy hết những thách thức phải đối mặt. Việc giảm thuế sẽ khiến hàng hóa của các nước ASEAN có độ tương đồng với Việt Nam tràn vào thị trường nội địa. Các sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng tiêu dùng, hải sản, dệt may…theo đó sẽ chịu sức ép lớn.

Cụ thể, chỉ trong 3 năm qua, hàng hóa Thái Lan, đã tràn vào Việt Nam khá nhiều. Hiện tại, nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN đã cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong khối.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc DN Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN là do hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá cả chưa cạnh tranh, hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao...

“Doanh nghiệp cũng chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước Hồi giáo, chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý cũng như văn hóa của các nước trong khu vực...” ông Hòa nói.

Bởi vậy, ông Phạm Thiết Hòa đề nghị doanh nghiệp trước tiên cần xác định mình muốn bán hàng vào thị trường nào, tiến hành khảo sát, nghiên cứu thị trường đó rồi quay về ITPC để được hướng dẫn, kết nối với các nhà mua hàng.

"Trước mắt doanh nghiệp có thể liên hệ với trung tâm để hướng dẫn tiêu chuẩn vào các thị trường, bao bì sản phẩm thế nào cho phù hợp. Bởi doanh nghiệp Việt còn hạn chế trong thiết kế bao bì. Ví dụ hàng hóa Việt bán sang Campuchia chỉ ghi tiếng Việt và tiếng Anh nên người Campuchia không đọc được trong khi cũng loại hàng đó, doanh nghiệp Thái Lan ghi nhãn bằng tiếng Anh và tiếng Campuchia nên tiêu thụ tốt hơn", ông Hòa chia sẻ.

Nguồn: Enter News

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: