Điểm tin

Liên thông BHXH trong ASEAN: Bài toán khó có lời giải

17 tháng 10. 2018

Di cư trong khu vực ASEAN đang ngày càng tăng trong khi đó chủ yếu là lao động di cư bất hợp pháp. Điều này sẽ đặt gánh nặng lớn cho vấn đề an sinh xã hội của mỗi quốc gia khi lao động di cư trở về nước.

Xu hướng di cư nội khối ngày càng tăng

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện có khoảng 14 triệu lao động di cư từ các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có 6 triệu người di cư trong khu vực Đông Nam Á, chiếm khoảng 43% tổng số lao động di cư. Tuy nhiên, các trường hợp di cư trong khu vực ASEAN là không chính thức và tạm thời, và có thể không được đưa vào số liệu thống kê về di cư.

Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), ước tính có hơn 76.000 lao động Việt  Nam đang làm việc tại các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan.

Nếu so với số lao động tới từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản thì đây không phải con số lớn. Tuy nhiên, số lao động di cư nội khối liên tục tăng lên trong những năm qua. Theo bà Anna Engblom, Giám đốc chương trình cao cấp, Dự án Triangle trong ASEAN, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực cho hay, số người di cư trong ASEAN đã tăng 3 lần trong 25 năm qua.

“Lao động di cư trong khu vực này chủ yếu là lao động bất hợp pháp và gặp hạn chế trong khả năng tiếp cận lưới an sinh xã hội”, bà Anna Engblom nói.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang làm giảm đi các rào cản để lao động có kỹ năng được tự do dịch chuyển hơn so với trước kia. Song, những nhóm ngành nghề được tự do di chuyển chiếm chưa tới 1% tổng cơ hội việc làm trong khối ASEAN.

Ngược lại, nhóm lao động thiếu kỹ năng và có kỹ năng thấp tại các quốc gia thành viên hiện đang dịch chuyển nhiều. Riêng tại Thái Lan, nhu cầu lao động kỹ năng thấp hàng năm cao gấp 5 tới 6 lần nhu cầu lao động kỹ năng cao.

Không thể phủ nhận những đóng góp của lao động di cư trong khu vực, giúp tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo ở cả quốc gia di cư (thông qua dòng kiều hối) và quốc gia tiếp nhận (tăng trưởng khu vực tư nhân và ổn định kinh tế)....

Tuy nhiên, theo ILO, hiện AEC không có bất kỳ điều khoản nào quy định về dịch chuyển xuyên biên giới của nhóm lao động thiếu kỹ năng và kỹ năng thấp trong khối ASEAN. Điều này sẽ dẫn tới rủi ro tiềm ẩn cho lao động cũng như tạo gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội sau này.

Theo một nghiên cứu của ILO vào tháng 12 năm ngoái dựa trên kết quả phỏng vấn 1.800 người lao động đã làm việc ở Thái Lan, Malaysia trở về Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Kết quả cho thấy, có khoảng 52% trong số họ đã làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan; 12% làm việc bất hợp pháp tại Malaysia. Đa số lao động di cư làm các công việc nặng nhọc trong các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng.

“An sinh xã hội cho lao động di cư trong khu vực hiện rất yếu", ông Markus Ruck, Chuyên gia cao cấp về An sinh xã hội, Văn phòng ILO khu vực nói và cho biết thêm: Điều này là do các quy định pháp lý của các nước trong khu vực chưa đầy đủ, chưa có thỏa thuận song phương giữa các nước. Hệ thống BHXH chủ yếu bao phủ lực lượng lao động chính thức.

Liên thông không dễ

Đảm bảo lao động di cư được tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội nước tiếp nhận là việc làm cần thiết hiện nay. Để làm tốt điều này, việc ký kết các hiệp định song phương, đa phương giữa các quốc gia về BHXH là điều kiện tiên quyết.

Song, không dễ để đàm phán các hiệp định này. Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia tư vấn về các vấn đề tiêu chuẩn lao động quốc tế và giới, đàm phán song phương về BHXH là lĩnh vực đàm phán rất khó khăn vì hệ thống BHXH của mỗi nước là khác nhau.

Ví dụ tại Singapore hoặc Malaysia, họ sử dụng chế độ tài khoản cá nhân, trong khi nhiều nước khác, quỹ BHXH là quỹ chung và có sự chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia hệ thống.

Bên cạnh đó, tại nhiều quốc gia, hệ thống ASXH cũng chưa hoàn thiện, độ bao phủ còn thấp, nên chưa đủ nguồn lực hoặc thiếu kinh nghiệm trong bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư.

Nói về giải pháp an sinh xã hội cho lao động di cư trong khu vực, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho hay, việc cần phải làm trong dài hạn là liên thông hệ thống bảo hiểm hưu trí thông qua việc đàm phán đa phương và song phương giữa các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, để làm được việc này là rất khó vì mỗi nước có một hệ thống hưu trí khác nhau.

“Cần làm thí điểm giữa hai nước trong khu vực có hệ thống bảo hiểm hưu trí tương đương nhau, sau đó mở rộng sang các nước trong khu vực”, ông Tân nói.

Song, đây là việc làm dài hạn, trước mắt, các nước cần có quy định cho phép cả lao động hợp pháp và bất hợp pháp đều được tiếp cận bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động. Đây là những quy định mà Hàn Quốc đã áp dụng đối với lao động nước ngoài.

Nguồn: Thời báo Sài Gòn giải phóng

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: