Điểm tin

The Asean Post: Tác động của chiến tranh thương mại đến ngành ICT, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất

12 tháng 11. 2018

Việt Nam và Malaysia sẽ là các nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến Mỹ - Trung, nhất là khi các tập đoàn công nghệ - điện tử sẽ hoạch định lại các chuỗi sản xuất ở một nơi khác để tránh các chính sách thuế từ Mỹ.

Theo The Asean Post, trong lúc Trung Quốc và Mỹ ngày càng xoáy sâu vào chiến tranh thương mại, dư âm của cuộc chiến đang ngày càng lan tỏa và tác động đến khắp nơi trên thế giới.

Với việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với tổng GDP lên đến 32 nghìn tỉ USD, chiếm 1/3 tổng GDP thế giới đối đầu trong cuộc chiến thương mại, điều này tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, nhiều chính phủ đang lo lắng về tác động của cuộc chiến này đến kinh tế và phương diện khác trên đất nước họ.

Hiện tại, hai cường quốc này đã áp đặt nhiều chính sách thuế quan khác nhau cho hơn 360 tỉ USD hàng hóa của hai nước. Nhiều dự đoán cuộc chiến sẽ tác động mạnh mẽ đến các kênh thương mại và đảo lộn các chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể tạo ra sự chuyển dịch trong chuỗi sản xuất giữa các nước dẫn đến bùng nổ chi phí cũng như giảm đi hiệu quả kinh tế.

Những phản ứng dây chuyền đó có thể khiến giá thành sản phẩm tăng cao, kéo theo lạm phát và ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ. Không những thế, nhiều dự báo cho thấy giao thương thế giới sẽ chững lại trong thời gian ngắn bởi những tác động bên lề cuộc chiến đến tâm lý nhà đầu tư.

Những tác động tiềm tàng của cuộc chiến đối với nền kinh tế chung ngày càng rõ nét. Một số quốc gia bị ảnh hưởng nhiều hơn ở một số phương diện. Trong khi đó, báo cáo được lập bởi tổ chức cố vấn kinh tế EIU (Economist Intelligence Unit) cho hay, một vài quốc gia sẽ được hưởng lợi trong việc chuyển dịch các chuỗi cung ứng tại Châu Á, đặc biệt là trên phương diện ngành ICT (công nghệ thông tin và truyền thông).

ICT là một trong những nhóm hàng hóa lớn nhất Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, đang là mục tiêu trong tầm ngắm của các chính sách thuế từ chính phủ Mỹ. Các chuyên gia kinh tế nhận định những chính sách thuế mới đánh vào Trung Quốc có thể khiến chi phí tiêu dùng cho các mặt hàng công nghệ tăng đến 3,2 tỉ USD,

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, những gián đoạn mà chiến tranh thương mại mang đến sẽ tác động mạnh mẽ đến các nước thành viên ASEAN. “Các tập đoàn đa quốc gia đang dần chuyển dịch các hoạt động sản xuất và xuất khẩu khỏi Trung Quốc và tiến vào thị trường Đông Nam Á trong suốt thập kỷ vừa qua. Và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển dịch hơn nữa”, chuyên gia phân tích kinh tế Nick Marro thuộc tổ chức EIU chia sẻ.

Trong số đó, Việt Nam và Malaysia sẽ là các nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến Mỹ - Trung, nhất là khi các tập đoàn công nghệ - điện tử sẽ hoạch định lại các chuỗi sản xuất ở một nơi khác để tránh các chính sách thuế từ Mỹ.

Ví dụ như DELL, Sony và Panasonic đã có sẵn các nhà máy tại Malaysia, trong khi đó Samsung và Intel cũng đã có những nhà máy sản xuất hoạt động ở Việt Nam. Những hoạt động sản xuất hiện tại giúp các tập đoàn trên nhanh chóng tái hoạch định nguồn vốn và chuyển dịch nhanh chóng mà không cần phải tái cơ cấu ở những nơi khác.

Ngoài ra, những thành viên khác trực thuộc ASEAN như Thái Lan và Indonesia cũng có thể hưởng lợi nhất định từ cuộc chiến. EIU nhấn mạnh, Thái Lan có quốc giá có tiềm năng lớn nhất cũng như đã và đang có những phát triển đáng kinh ngạc trong phương diện xuất khẩu hàng hóa điện tử. Trong năm 2017 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử của Thái Lan đạt mức ấn tượng lên đến 35,6 tỉ USD.

Một số chính sách kinh tế từ chính phủ Thái Lan cũng góp phần khuyến khích và thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ quốc tế. Chẳng hạn như, chính sách chuyển đổi cách mạng công nghiệp 4.0 mà chính phủ Thái còn gọi là “Thái Lan 4.0” có thể đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất mặt hàng điện tử của chính quốc gia này. Thêm vào đó, quốc gia xứ Chùa Vàng triển khai đặc khu kinh tế thuộc dự án Hành Lang Kinh Tế Phía Đông (EEC) để tăng cường thu hút vốn đầu tư từ các công ty công nghệ điện tử.

Ở chiều hướng ngược lại, các nước như Philippines có thể hứng chịu những thiệt hại nhất định về thuế đến từ Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu của Philippines vào thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 16,9% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nước này, phần lớn trong số đó là các mặt hàng điện tử.

Tại một số thị trường ICT khác như Singapore cùng với Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cũng được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nhẹ, chủ yếu đến từ việc Trung Quốc là một trong những điểm trung chuyển cũng như đầu ra cho một số mặt hàng công nghệ của Singapore. Tuy nhiên, theo EIU, sẽ khó để xác định mức độ tổn thương do Singapore chủ yếu tập trung sản xuất các thiết bị và mặt hàng công nghệ cao rất khó để thay thế bởi các nguồn hàng nhập khẩu khác.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không xảy ra một sớm một chiều. Các tập đoàn, doanh nghiệp cũng sẽ xem xét nội bộ và đánh giá lại các chiến lược đầu tư để đáp ứng các quy định, yêu cầu đầu tư thậm chí mở rộng tìm kiếm các đối tác địa phương.

EIU cũng chia sẻ thêm, có thể sẽ mất từ 2 đến 3 năm để có thể thấy được toàn bộ những hiệu ứng từ cuộc chiến thương mại. Trong lúc đó, các nước Đông Nam Á có thể tận dung cơ hội này để mở cửa kinh tế và thu hút các công ty, tập đoàn đang tìm kiếm những phương án để cách ly khỏi các chính sách thuế từ Mỹ.

Nguồn: Vietnambiz

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: