Điểm tin

Doanh nghiệp Việt dễ dàng đi vào thị trường ASEAN

21 tháng 11. 2018

Thông qua Hiệp hội Doanh nhân trẻ ASEAN, 10.000 hội viên doanh nhân trẻ Việt Nam có cơ hội đi vào thị trường tiềm năng trong ASEAN mà xưa nay vẫn bị rào cản.

Ngày 18-11, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức buổi trao đổi về hoạt động của Hội trong khóa VI nhiệm kỳ 2018-2021.

Ông Đặng Xuân Huy, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2021 đã được tổ chức thành công hồi tháng 8. Đại hội đã hiệp thương bầu ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn TCC, giữ chức chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VI.

Theo ông Huy, với tinh thần Doanh nhân trẻ Việt Nam - Tiên phong đổi mới - Kiến tạo giá trị, thời gian tới Hội sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm như xây dựng hội theo hướng tập trung và mở rộng phát triển tổ, mô hình CLB trực thuộc và Cụm doanh nhân trẻ.

Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển với tốc độ cấp số nhân và có những tác động, thách thức đáng kể. Hội đang xây dựng app doanh nhân trẻ với mục tiêu kết nối thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, tạo môi trường giao thương cho các hội viên trao đổi thông tin về sản phẩm dịch vụ, liên kết cùng phát triển... Dự kiến tháng 12-2018 app doanh nhân trẻ hoàn thành và ra mắt vào đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, ông Huy cho biết tại Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN + Trung Quốc 2018 tổ chức tại Singapore tháng 11, Hiệp hội Doanh nhân trẻ ASEAN được thành lập. Phía Việt Nam, ông Đặng Hồng Anh (Chủ tịch hội) cùng bà Phạm Thị Bích Huệ (Phó Chủ tịch hội) được bầu vào Ban điều hành Hiệp hội Doanh nhân trẻ ASEAN Riêng bà Phạm Thị Bích Huệ được cử là chủ tịch Câu lạc bộ Nữ doanh nhân trẻ ASEAN.

Chia sẻ ý nghĩa sự kiện này, bà Phạm Thị Bích Huệ cho biết đây là một trong những cột mốc đánh dấu sự liên kết của doanh nhân trẻ Việt Nam thêm mạnh, rộng, sâu trong cộng đồng doanh nhân trẻ ASEAN.

Khi Việt Nam tham gia vào sẽ có sự chia sẻ thông tin về nhu cầu thị trường, kết nối... Đồng thời cộng hưởng được tiếng nói cộng đồng doanh nhân trẻ trong ASEAN lớn mạnh hơn. Họ cùng góp ý xây dựng chính sách, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia ASEAN. Đặc biệt, thông qua Hiệp hội Doanh nhân trẻ ASEAN, 10.000 hội viên doanh nhân trẻ Việt Nam có cơ hội đi vào thị trường tiềm năng trong ASEAN mà xưa nay vẫn bị rào cản.

Mặt khác, đây là kênh trực tiếp đi vào nhu cầu B2B của doanh nhân, không thông qua trung gian. Điển hình như Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN + Trung Quốc tổ chức ở Singapore vừa qua, các thành viên chia sẻ thông tin rất rõ ràng.

Ví dụ, phía Việt Nam chia sẻ trực tiếp với phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Trung Quốc là muốn đưa nông sản Việt vào Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Hoặc giữa Việt Nam-Singapore thì Việt Nam quan tâm đến việc hỗ trợ khởi nghiệp… Do đó, mang tính thực tế hơn từ những kinh nghiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân đã áp dụng thành công chứ không phải thông tin cố vấn từ các chuyên gia. “Việt Nam đang chuẩn bị để đăng cai tổ chức Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN + Trung Quốc vào năm 2020” - bà Huệ thông tin.

"Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi cũng biết áp lực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hội cũng xác định cuộc chiến này vừa tạo cơ hội lẫn thách thức cho doanh nhân trẻ. Về cơ hội, đó là với sự thoái lui đầu tư của doanh nghiệp từ Trung Quốc có thể chuyển sang Việt Nam. Đây là cơ hội nếu doanh nhân trẻ biết nắm bắt, có thể đón nhận được. Thách thức là nếu doanh nghiệp không nắm bắt xu thế này, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với làn sóng hàng hóa Trung Quốc đổ bộ vào" - bà Huệ nói.

Làm thế nào để tránh tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt xuất xứ?

Bà Huệ cho biết hội với đặc thù đa dạng doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau. Hình thành các nhóm doanh nghiệp về logistics, doanh nghiệp nông nghiệp… đều chia sẻ thông tin và trên hết vẫn tuân thủ đúng pháp luật, tránh việc lách xuất xứ ảnh hưởng đến hình ảnh sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nói riêng và ra thế giới.

"Trung Quốc là thị trường lớn, đã là doanh nghiệp ai cũng nhắm đến nhưng chúng ta làm thế nào, biết chúng ta đang ngồi với ai để có những giải pháp phòng ngự cho hàng hóa của mình an toàn. Theo tôi, Trung Quốc là thị trường tiềm năng, doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội và đi vào bằng chính ngạch chứ không phải tiểu ngạch" -  bà Huệ nói. 

Nguồn: Báo Pháp Luật

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: