Điểm tin

ASEAN - trọng tâm "xoay trục" của Nga

05 tháng 12. 2018

ASEAN đang trở thành một trọng tâm trong chính sách “xoay trục” hướng về châu Á - Thái Bình Dương của nước Nga với việc nâng tầm quan hệ Nga - ASEAN lên quan hệ Đối tác chiến lược.

Tổng thống Nga Vladimir Puin vừa có những động thái cho thấy nước Nga đang tích cực và chủ động hơn trong việc thúc đẩy vai trò và ảnh hưởng tại khu vực ASEAN nhằm cạnh tranh với hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này. Trong đó, động thái rõ ràng nhất là việc Tổng thống Putin đã lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao  ASEAN diễn ra trung tuần tháng 11 vừa qua tại Singapore sau nhiều năm Nga chỉ tham dự ở cấp Thủ tướng. Có một điểm đáng chú ý khác là Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay đều không có sự hiện diện của cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Là nguyên thủ quốc gia Nga đầu tiên tham dự một Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga ở ngoài nước Nga, Tổng thống Putin đã trở thành “trung tâm” tại cả Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị cấp ASEAN năm nay với những cuộc gặp gỡ, thảo luận dày đặc nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực chính trị và an ninh, kinh tế, văn hóa... Đặc biệt, Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí nâng quan hệ Đối tác đối thoại Nga - ASEAN lên tầm quan hệ Đối tác chiến lược. 

Nga và các quốc gia ASEAN thiết lập quan hệ đối tác đối thoại từ năm 1996, song mối quan hệ giữa hai bên tiến triển khá chậm chạp dù hợp tác giữa Nga với một số thành viên hiệp hội phát triển khá tích cực. Một trong những nguyên nhân quan trọng là khi mới thiết lập quan hệ, nước Nga còn chìm trong khủng hoảng toàn diện và sâu sắc sau khi tách ra khỏi Liên Xô trước đây, còn sau này là hướng ưu tiên quan hệ của Matxcơva.

Trọng tâm chính sách đối ngoại của Nga trong nhiều năm Chiến tranh lạnh cũng như sau thời Chiến tranh lạnh vẫn là hướng về phía Tây với mối quan hệ với Mỹ và các quốc gia châu Âu. Ngay cả khi triển khai chính sách đối ngoại ưu tiên về hướng Đông thì Trung Quốc rồi Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là trọng tâm chính của Nga chứ chưa phải là các quốc gia ASEAN.

Tuy nhiên, đặt trọng tâm chính sách đối ngoại về phía Tây hay hướng sang phía Đông thì Nga vẫn vấp phải những thách thức và trở ngại lớn. Bởi bên cạnh sự hợp tác, nhìn về lợi ích chiến lược lâu dài, Nga với phương Tây hay Trung Quốc vẫn là những đối thủ hoặc “đụng độ” lợi ích với nhau. 

Trong khi đó, tranh chấp hay va chạm lợi ích chiến lược khu vực cũng như toàn cầu lại khó xảy ra trong quan hệ đối tác giữa Nga với ASEAN. Matxcơva ngày càng nhận thấy lợi ích toàn diện trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN, tổ chức khu vực thành công với tổng số dân hơn 620 triệu người và GDP hơn 2.600 tỷ USD cùng vai trò trung tâm được khẳng định trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh của khu vực.

Việc Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt do cuộc khủng hoảng Ukraine, cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ… càng khiến Nga thúc đẩy nhanh hơn việc nâng tầm quan hệ đối tác với ASEAN, trước mắt nhằm giảm áp lực từ phía Tây và lâu dài là phát triển mối quan hệ với một đối tác “nặng ký”.  Nga đang đưa ASEAN vào một vị trí trung tâm trong chính sách “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để ASEAN thực sự giữ vai trò này còn là chặng đường dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực của cả hai bên. Chỉ cần nhìn vào tổng kim ngạch thương mại Nga - ASEAN hiện mới đạt khoảng 22 tỷ USD/năm so với tổng kim ngạch thương mại Nga-Trung tới 500 tỷ USD/năm đã thấy rõ điều này.

Nguồn: Báo An ninh thủ đô

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: