Điểm tin

MATRADE sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Malaysia

11 tháng 02. 2019

Trong năm 2019, với dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực, các doanh nghiệp Malaysia sẽ tiếp tục tăng hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Malaysia. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Faizal Izany Mastor, Tham tán Thương mại, Lãnh sự quán Malaysia, Phòng Thương vụ (MATRADE) tại TP. Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.  

Là đại diện cho Cơ quan Xúc tiến Thương mại của Chính phủ Malaysia tại Việt Nam, ông có nhìn nhận như thế nào về những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019?

Theo tôi được biết thì trong năm 2018, bất chấp dự đoán về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như những bất ổn cho chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đáng kinh ngạc với 7,08% và trong năm 2019, Trung tâm Dự báo và Thông tin Kinh tế Xã hội Quốc gia (NCIF) đã dự báo nền kinh tế sẽ tăng thêm khoảng 6,85% đến 7,02%. Đây là tín hiệu tích cực và là đòn bẩy để các doanh nghiệp phát triển.

Hiện Việt Nam đang được đánh giá là “Trung tâm sản xuất của Đông Nam Á” nhờ các chính sách đầu tư hấp dẫn, chi phí sản xuất hợp lý, nguồn nhân lực dồi dào, quy trình cấp phép cũng như cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất được cải thiện. Với nhiều nguồn đầu tư vào Việt Nam, điều này không chỉ tạo cơ hội gia tăng công ăn việc làm cho người lao động, mà những công ty nước ngoài tại Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu nội đia, quốc tế hóa và xuất khẩu bên cạnh việc cải thiện thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, giáp với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật. Điều này góp phần tạo lợi thế để Việt Nam trở thành một trung tâm khu vực. Hơn nữa, khi Việt Nam đang tích vực tham giá các hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu và các thành viên của Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây sẽ là cánh cửa cho các doanh nghiệp nội địa mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn những mối lo ngại từ sự suy thoái kinh tế và thương mại toàn cầu. Là một quốc gia đang phát triển cố gắng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có thể bị lệ thuộc vào hiệu suất thương mại toàn cầu. Đồng thời, vẫn còn thách thức trong việc kiểm soát lạm phát để trở nên cạnh tranh hơn, do ở một mức độ nào đó, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian.

Với những thuận lợi, thách thức mà ông vừa nêu trên, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài và cụ thể là các doanh nghiệp Malaysia để thúc đẩy giao thương giữa hai nước, thưa ông?

Trong năm 2018, Việt Nam thu hút hơn 3.000 dự án FDI mới, với tổng giá trị đầu từ lên đến 19,1 tỷ USD, tăng 109,1% so với năm 2017. Đối với Malaysia, các nhà đầu tư của chúng tôi đã tích cực tham gia vào sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Tính đến nay, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ 8 ở Việt Nam với 586 dự án đầu tư trị giá 12,48 tỷ USD. Các lĩnh vực chính bao gồm phát triển bất động sản, xây dựng, cơ sở hạ tầng, sản xuất, dầu khí, ô tô, nông nghiệp, các ngành hỗ trợ và dịch vụ.

Chúng tôi mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra các điều kiện kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cơ sở tầng giao thông tích hợp, chính sách bền vững trong việc quản lý chi phí kinh doanh, thủ tục hành chính minh bạch và đơn giản hơn cũng như các chính sách được cập nhật với thay đổi trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu như Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Xin ông cho biết lĩnh vực nào của Việt Nam đang hấp dẫn với doanh nghiệp Malaysia và MATRADE sẽ có những hoạt động nào để thúc đẩy phát triển thương mại cho doanh nghiệp hai nước?

Các công ty từ Malaysia đánh giá rất tích cực về triển vọng thị trường Việt Nam bởi quy mô dân số lớn với thu nhập ngày càng cao và sự cải thiện không ngừng của môi trường kinh doanh. Những lĩnh vực tiềm năng đang hấp dẫn với doanh nghiệp Malaysia bao gồm năng lượng tái tạo, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông, các ngành hỗ trợ, giáo dục và đào tạo, y tế cũng như ngành công nghiệp Halal liên quan đến lĩnh vực thực phẩm.

Để thúc đẩy thương mại giữa hai nước, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham Triển lãm Halal quốc tế Malaysia lần thứ 16 vào tháng 4/2019. Các lĩnh vực chính tại triển lãm này gồm thực phẩm - đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm - chăm sóc cá nhân, tài chính, du lịch, thương mại điện tử và hậu cần. Doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký tham gia triển lãm này với chúng tôi để mở rộng thị trường và khám phá một thị trường kinh doanh mới.

Ngoài ra, năm nay MATRADE sẽ tổ chức các chương trình tìm nguồn cung ứng cho các lĩnh vực khác như xây dựng, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, y tế, đồ nội thất và lối sống, dầu khí…

Nguồn: Báo Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: